Ai sẽ reo “Eureka”?

1. Trở thành đội đầu tiên bảo vệ thành công chức vô địch Euro Cup, đội đầu tiên vô địch 3 giải đấu lớn Euro 2008, World Cup 2010, Euro 2012, đội tuyển Tây Ban Nha đã đi vào lịch sử bóng đá thế giới với tư cách một trong những đội bóng xuất sắc nhất.


Những thành tích vô tiền (có thể là khoáng hậu) đó của đội tuyển Tây Ban Nha chắc chắn sẽ trở thành huyền thoại, ngạc nhiên thay, lại mới chỉ xảy ra trong vòng 4 năm nay. Mới hay để xây một tượng đài, lịch sử đôi khi cũng không cần quá nhiều thời gian.


Từ năm 2008 trở về trước, Tây Ban Nha chưa bao giờ nằm trong nhóm ứng cử viên vô địch ở bất cứ một giải đấu lớn nào. Cứ trước mỗi lễ hội bóng đá, người ta nhắc đến Ý, Đức, thấp hơn một chút là Anh, Pháp ở châu Âu và Brazil, Argentina ở Nam Mỹ. Tây Ban Nha cũng là vua, nhưng là “vua đấu loại”. Khi vào vòng chung kết, đội tuyển xứ bò tót chỉ đóng vai trò một thứ gia vị, chủ yếu giúp cho bữa tiệc bóng đá thêm chút cay chua và cuối cùng là làm nền cho những đội khác đăng quang.


2. Tây Ban Nha từng có một hệ thống thuộc địa rộng lớn, với gần nửa tỉ người trên thế giới nói tiếng Tây Ban Nha. Số người nói tiếng Tây Ban Nha như tiếng mẹ đẻ rồi sẽ tăng lên với các hậu duệ không ngừng sinh sôi, nhưng dùng thứ tiếng phổ biến này để tung hô chức vô địch của đội tuyển Tây Ban Nha thì sự kiện đó chỉ mới xảy ra vài năm nay.


Trước đó, người ta thét to hai từ “vô địch” bằng tiếng Anh, tiếng Ý, tiếng Đức, tiếng Pháp, tiếng Bồ Đào Nha (tuyển Brazil). Cũng có lúc, người ta hô vang bằng tiếng Tây Ban Nha, nhưng oái oăm thay, những âm thanh kỳ diệu đó vang lên để ca ngợi các chức vô địch World Cup của Uruguay (1930, 1950) và Argentina (1978, 1986) - những quốc gia nói tiếng Tây Ban Nha.


Chỉ ở 3 giải lớn gần đây, người Tây Ban Nha mới có dịp dùng chính ngôn ngữ của mình để ca ngợi chiến công của Casillas và đồng đội.


3. Lục lại lịch sử, chúng ta sẽ thấy đội tuyển Tây Ban Nha đã từng lên ngôi vô địch châu Âu vào năm 1964. Nhưng những chiếc huy chương vàng đó đã ở quá xa, đã bị phủ bụi bởi thời gian nên không còn lấp lánh trong mắt các hậu sinh ở thế kỷ 21. Thậm chí, có cảm giác ngôi vua gần nửa thế kỷ trước của Tây Ban Nha đã bị lịch sử vùi sâu đến mức muốn nhớ lại sự kiện này cần phải mất rất nhiều thời gian để khai quật.


Đội tuyển Tây Ban Nha trong mắt nhiều người, họa chăng chỉ còn thấp thoáng hình ảnh một đội tuyển từng làm chuyện động trời là quật ngã Đức 1-0 bằng bàn thắng của Maceda ở phút cuối cùng trong trận đấu cuối cùng của vòng đấu bảng tại Euro 1984 để loại siêu tiền đạo Rudi Voller và đồng đội ra khỏi bán kết, sau đó vượt qua Đan Mạch của danh thủ Laudrup bằng những quả đá luân lưu để tiến thẳng vào trận chung kết với đội chủ nhà Pháp của siêu sao Platini và... thua trận.


Đó cũng là lần duy nhất đội tuyển Tây Ban Nha tiến xa đến vậy ở một giải đấu lớn sau chức vô địch châu Âu 1964. Khi thế hệ Maceda, Sarabia Lopez, Urquiaga, Gomez, Santillana về vườn, Tây Ban Nha không tìm đâu ra một thế hệ có tinh thần chiến đấu quả cảm tương tự.


4. Tiền đạo Raul Gonzales được người Tây Ban Nha tôn vinh như một tượng đài, nhưng tượng đài cá nhân đó chưa bao giờ giúp Tây Ban Nha xây được một tượng đài tập thể, dù các tuyển thủ cùng thời với anh không thiếu tài năng.


Xét nhiều khía cạnh, Tây Ban Nha không hơn Đức, Anh về thể lực, không hơn Pháp, Bồ Đào Nha về kỹ thuật, tấn công không thể hơn Hà Lan, phòng ngự không thể hơn Ý. Về thể hình, đội tuyển Tây Ban Nha là đội tuyển nhỏ con nhất châu Âu. Nói tóm lại là vô vàn bất lợi.


Chỉ đến khi lối đá tiqui-taca ra đời, các tuyển thủ Tây Ban Nha mới thực sự trở thành “Độc Cô Cầu Bại”. Lối đá ma thuật đó cho phép Xavi và đồng đội tiêu hao thể lực ở mức tối thiểu trong khi phát huy những phẩm chất kỹ thuật đến mức tối đa.


Tiqui-taca biến ảo đến mức HLV Del Bosque không cần sử dụng một tiền đạo đích thực trong phần lớn thời gian thi đấu ở Euro 2012 vẫn có thể giành thắng lợi cuối cùng.


5.Tôi sẽ bàn về khía cạnh chuyên môn trong lối chơi tiqui-taca ở một bài viết khác; ở đây tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng, tiqui-taca xuất hiện trong thế giới bóng đá chẳng khác nào một bí kíp võ công đặc dị xuất hiện trong giang hồ. Đặc biệt, tiqui-taca là thứ võ học được phát dương dưới ánh mặt trời, từng chiêu từng thức được các tuyển thủ Tây Ban Nha thi triển công khai, rạch ròi, minh bạch. Thế nhưng, cho đến hôm nay vẫn chưa cao thủ võ lâm nào nghĩ ra được cách khắc chế thứ võ công này. Đã 3 mùa luận kiếm trôi qua, tiqui-taca vẫn bất bại. Hai năm nữa, World Cup 2014 sẽ diễn ra trên đất nước Brazil và câu hỏi quan trọng nhất đối với giới chuyên môn vẫn còn bỏ ngỏ: Đội tuyển nào sẽ hóa giải được các chiêu thức kỳ ảo của tiqui-taca?


Tất nhiên các nhà bình luận đã không tiếc công lục lọi quá khứ để tìm kiếm những dữ liệu nhằm chứng minh đội tuyển Tây Ban Nha sẽ không thể đăng quang ở World Cup sắp tới, chẳng hạn: Chưa một đội bóng châu Âu nào lên ngôi khi World Cup tổ chức ở châu Mỹ! Nhưng trước khi Tây Ban Nha chiến thắng ở Euro 2012, quá khứ chẳng phải đã hùng hồn khẳng định chưa đội tuyển nào bảo vệ được chức vô địch châu Âu đó sao? Tây Ban Nha đã bước qua một lời nguyền, không có lý gì không thể bước qua lời nguyền thứ hai, trừ phi từ nay đến khi World Cup ở Brazil khai mạc, có một cao thủ võ lâm nào đó chui vào mật động ngồi diện bích hai năm trời để tham bác một loại võ học chuyên trị tiqui-taca và khi chui ra ngửa mặt lên trời hét to “Eureka!” (“Tôi tìm ra rồi!”) như nhà bác học Archimedes hơn 2.000 năm trước.


CHU ĐÌNH NGẠN

Del Bosque - Mưu thâm, kế diệu

EURO 2012 kết thúc đã 4 ngày. Các lữ đoàn quân viễn chinh đâu đã về đấy. Những kẻ thua rưng rưng nốc cạn chén ngậm ngùi, và người thắng cũng đã say men nồng chiến thắng. Đến giờ này, không ít người đã hiểu ra, nhưng vô khối người vẫn chưa hiểu thấu những mưu thâm kế diệu của Ngài râu kẽm, Vicente Del Bosque!

Hỏa mù 4-6-0 hay đội hình không tiền đạo

Có lẽ điều khiến Del Bosque phải rung đùi, vuốt râu khoái trá nhất là cho đến tận giờ này, khi EURO 2012 đã tàn cuộc chơi, mà không ít người vẫn còn cho rằng ông sử dụng đội hình 4-6-0, không tiền đạo.

Thực tế trải qua 6 trận đấu cho thấy khi tấn công, TBN đã chơi đội hình 4-3-3 hay chính xác hơn là 4-2-1-3. Trong đó 2 tiền vệ phòng ngự là Busquets và Alonso. Xavi nhô cao hơn một chút. Trên cùng là 3 tiền đạo chủ lực Iniesta-Fabregas-Silva. Bề ngoài tưởng chừng là TBN chơi không tiền đạo, nhưng thực tế TBN đã chơi với hàng công một Iniesta và 2 giả-Messi!

Ngài râu kẽm mưu thâm, kế diệu! Ảnh: Internet.

Trận chung kết thắng Ý, bàn mở tỷ số của TBN cho thấy rõ điều đó: 3 tiền đạo cùng đột nhập sâu phần sân nhà tuyển Ý. Messi-bây-giờ (Fabregas) đang chơi ở giữa dạt sang cánh phải nhận đường chọc khe của Iniesta, dấn thêm một nhịp xuống sát biên ngang, rồi chuyền ngược lại vào giữa. Người đón bóng là Messi-thuở-ban-đầu (Silva). Anh này đang chơi bên cánh phải thoắt hoán chuyển vào giữa, băng xuống và đánh đầu ghi bàn thắng! Đây là pha ăn bàn của 3 tiền đạo chủ lực! Trong trận mở đầu bảng C giữa Ý và TBN cũng là 3 tiền đạo này áp sát khu 16m50. Iniesta chọc khe, Silva nhận bóng, chuyền tinh tế cho Fabregas lập công, ghi bàn thắng gỡ hòa 1-1. Cả 2 bàn thắng này đều cho thấy đặc trưng phối hợp biến hóa sắc sảo và độc đáo của 3 tiền đạo sát thủ thực sự.

Khi mất bóng, thì Iniesta và Silva lùi xuống, biến khu vực giữa sân của TBN thành điểm ngũ của một quân xúc xắc. Đội hình TBN linh động trở thành 4-5-1. Tiền đạo thật (Torres) hoặc tiền đạo ảo (Fabregas) vẫn chiếm giữ vị trí cao nhất trong hàng công. Tóm lại, không phải Del Bosque không dùng tiền đạo, mà ông đã sử dụng các tiền vệ giỏi chơi vai tiền đạo vậy. Trước ông, chúng ta cũng thường được thấy Pep Guardiola nhiều lần sử dụng hậu vệ phải Dani Alves hoặc hậu vệ trái Adriano chơi vai tiền đạo phải trong đội hình Barcelona rồi, nên thật ra điều này không lạ.

Những tiền đạo bất ngờ từ dưới dất chui lên

Một điểm lý thú khác trong cách cầm quân của Del Bosque, là ông thường chỉ đạo toàn quân lui xuống, khống chế khu vực giữa sân, dụ cho đội hình đối phương dâng lên cao, cố ý không cho đối thủ dựng 2 tầng xe bus phòng ngự. Rồi sau đó, một đường chuyền độc từ xa được bất ngờ chuyền xuống vào… chỗ không người, không có cầu thủ đối phương, cũng không có cả quân nhà. Bất thần, một hậu vệ hoặc một tiền vệ phòng ngự từ rất xa băng lên như cơn lốc chiếm lĩnh khoảng trống đó, nhận đường chuyền độc đó và… ghi bàn!

Navas trong trận thắng Croatia. Alonso trong trận tứ kết thắng Pháp. Arbeloa trong trận bán kết với Bồ Đào Nha. Alba trong bàn nâng tỷ số lên 2-0 trong trận chung kết thắng Ý. Cả 4 đòn đánh đều theo cùng một kiểu : Quân từ dưới đất chui lên, bất ngờ đột nhập vị trí của trung phong cắm và ghi bàn. Chỉ riêng có một trường hợp Arbeloa là không thành công vì anh này đã bỏ lỡ một cơ hội hết sức ngon ăn, đưa bóng vọt xà ngang khung thành Bồ Đào Nha.

Cao tay hơn cả Pep Guardiola

Đại nhân đắc ý, đại nhân … cười! Ảnh: Internet.

Del Bosque đủ thông minh để tiếp thu những cái hay của Roberto Mancini trong việc sử dụng David Silva làm tiền đạo phải kiêm hộ công, và đặc biệt là cách Guardiola sử dụng Fabregas vốn xuất thân là tiền vệ phòng ngự số 4 chơi như một tiền đạo ảo số 10. Nhưng hơn thế nữa, ông tỏ ra đã cao tay hơn Guardiola một bậc.

Chúng ta thường thấy Barcelona của Guardiola, kiểm soát bóng chặt chẽ ở trung tuyến, rồi tấn công đối phương cấp tập bằng đội hình 4-3-3 dâng cao, tràn hết sang phía nửa sân đối phương. Đó là lúc tấn công… ”bình thường”. Khi cần bạo công, cường kích, Guardiola đã biến hóa đội hình thành 3-4-3 hoặc thậm chí 3-3-4. Công bạo thật. Như gió táp mưa sa thật. Khi thắng thì thắng đẹp 4-0, 5-0. Nhưng cũng lắm khi chẳng khác gì chuồn chuồn lao đầu vào… vách đá!

Vì sao? Vì khi chơi bạo công như vậy, đương nhiên đối thủ phải lùi về, lùi hết về. Và trận địa phòng ngự của đối phương tự nhiên hóa ra dày đặc hơn, thành lũy địch được ken nhau chặt chẽ hơn. Hậu quả là đã khó lại càng khó ghi bàn. Tai hại hơn nữa, chỉ cần một cú phá bóng cầu âu cao vút lên phía trên, nếu tiền đạo đối phương đón được, sẽ bất ngờ mở ra một cuộc phản công chớp nhoáng. Quân đâu mà đỡ trong những tình huống ấy? Đã vậy, dồn ép địch thủ sát sao, chiếm hết bóng không cho người ta chơi, bảo sao người ta chẳng ức chế, và họ sẽ chơi bài chặt chém, gây ra những chấn thương không đáng có.

Cao tay hơn Guardiola, Del Bosque chủ trương: “Hà tất phải như thế!” Chỉ cần kiểm soát chặt trung tuyến, những đường phá bóng ẩu ra biên hoặc những đường phát bóng bừa lên trên của thủ môn sẽ cho đối phương có cơ hội được dâng cao, được chơi bóng như mình. Họ ít bị ức chế, cũng sẽ ít phạm lỗi. Thừa lúc họ mải mê dâng cao mà đột phá ăn bàn sẽ ít hao công sức mà hiệu quả lại hơn hẳn.

Đó là mưu thâm kế diệu của Vicente Del Bosque. Nhưng EURO 2012 đã tàn cuộc rồi, lắm người đã nhận ra, nhưng cũng không ít các “chuyên gia” đến tận giờ này vẫn còn… ù ù cạc cạc! Điều vô cùng lý thú chính là ở đó vậy.

(Bạn đọc: Đông Hưng)

Hai chú “gà tồ”: Một rớt giá, một không


Hai chú “gà tồ”: Một rớt giá, một không


(BongDa.com.vn) - Trong tiếng Việt dân dã, “GÀ TỒ” là từ được sử dụng để chỉ những anh chàng thật thà đến mức khờ khạo, dễ dàng bị lọt bẫy, dính phải “mưu ma chước quỷ” của đối phương. Trong bóng đá đỉnh cao của Âu Châu và thế giới, tại EURO 2012 vừa qua, cũng đã xuất hiện 2 chú gà tồ như vậy. Bất ngờ thay, 2 chú gà tồ ấy lại là những tên tuổi đã từng lừng lẫy!

Joachim Loew dễ dàng lọt bẫy của Prandelli

Với thành tích lẫy lừng trong quá khứ, ở World Cup 2010, hạ gục đội tuyển Anh 4-1, quất sụm đội tuyển Argentina 4-0, những kỳ tích mà không mấy ai làm được, đội tuyển Đức trẻ trung, tài hoa, năng động, đầy bản lãnh của Joachim Loew chỉ chịu thua Tây Ban Nha, đội sau đó trở thành nhà Vô địch World Cup, thua duy nhất một cú đánh đầu của Carles Puyol. Một bàn thua kiểu thiếu may mắn và do sơ xuất trong một giây phút lơ đãng như thế khiến cho kẻ thua nào cũng phải ấm ức, không dễ dàng tâm phục khẩu phục.
Loew tiu nghỉu trước Prandelli! Ảnh: Internet.

Đến vòng loại EURO, đội tuyển Đức hào hùng ấy lại thắng như chẻ tre. Khi vào giải, Đức anh dũng vượt qua bảng Tử thần, oanh liệt tiêu diệt gọn những cường địch như Hà Lan, Bồ Đào Nha, Đan Mạch bằng 3 trận toàn thắng. Ở tứ kết hạ gục cựu vô địch châu Âu Hy Lạp với tỷ số 4-2. Mạch toàn thắng ấy, thế trận linh hoạt ấy, lực lượng sung mãn ấy khiến tất cả mọi người đều cho rằng đối thủ Italia ở bán kết khó lòng mà ngăn chặn nổi Đức.

Về phía Ý, vào được bán kết chỉ với 3 hòa, một thắng. Hòa Tây Ban Nha, hòa tiếp Croatia, thắng khó nhọc một đội tuyển Ireland yếu ớt. Thành tích vượt qua vòng bảng chỉ có thế. Ở tứ kết, Ý hòa tiếp với một đội tuyển Anh đang đổi thay, rồi thắng may mắn bằng sút luân lưu. Về lực lượng, đội hình Ý gồm nhiều danh thủ đã cao tuổi (Pirlo, Di Natale, Cassano, Buffon…) xen lẫn với các tài năng trẻ mới nổi, mà tên tuổi còn chưa được nhiều người biết đến. Xét về thực lực, rõ ràng là Ý yếu hơn hẳn.

Trong tình thế ấy, HLV Prandelli, các hảo thủ Ý, cũng như cả một mạng lưới truyền thông xuyên suốt, tất cả đều “chúng khẩu đồng từ”, tự nhận Ý ở cửa dưới, ca bài ca Ý yếu hơn, tung hô đội tuyển Đức và các danh thủ Đức lên tận mây xanh. Bên cạnh đó là thủ thuật “khích tướng” quái ác: Nêu bật quá trình lịch sử “Đức chưa bao giờ thắng nổi Ý ở các trận đấu chính thức!”

Tất cả những điệp khúc ấy đã ru hồn đội tuyển Đức, đưa họ vào trận bán kết EURO 2012 như những kẻ mộng du: Vào trận, toàn đội Đức như những cỗ xe tăng ào ạt xung phong, tất cả dồn lên hãm thành mãnh liệt, định “ăn tươi nuốt sống” đối thủ ngay từ khi giao bóng. Suốt 18 phút, trận địa Ý bị tràn ngập, khung thành Ý bị chao đảo. Nhưng họ vẫn đứng vững!

Và thế rồi 2 cú đòn “hồi mã thương” xuất sắc và chuẩn mực được Ý bung ra: Balotelli dũng mãnh ghi luôn 2 bàn thắng. Đội tuyển Đức “hổ báo” đã ngã gục, không thể gượng dậy. Joachim Loew, một HLV tài ba, bỗng chốc hóa thành một chú “gà tồ”, không hơn không kém. Thua thì ai cũng có thể thua, nhưng thua như Joachim Loew đã thua Cesare Prandelli thực sự là vô cùng đau đớn vậy! Chẳng khác gì người dũng sĩ đang hùng hổ leo lên ngọn cây dừa, bỗng chốc bị đốn ngang gốc, ngã xuống với cú ngã đau điếng, hổ ngươi.

Đến lượt Prandelli sập hầm chông!

Trước trận chung kết, đến lượt HLV Del Bosque, các hảo thủ TBN và cả một mạng lưới truyền thông khắp nơi nơi liên tục đưa ra những ý kiến tràn ngập các trang báo, đó đây tất cả đều tỏ ý “e dè đội tuyển Ý”, “ngán ngại Balotelli”, “cảnh giác cao độ với Pirlo”, tung hô cách chơi đôi công của Ý trong trận mở màn bảng C đã xuất sắc hòa TBN trong thế thắng, tạo ra dư luận rằng“Tiki-taka đã lỗi thời, đã bị bắt bài…”, và cả những dự đoán rằng Ý sẽ “cưa đổ ngai vàng” của TBN.

undefined
Prandelli tiu nghỉu trước… Del Bosque! Ảnh: Internet.

Prandelli và đội tuyển Ý đã uy mãnh bước vào trận chung kết EURO 2012 trong tâm trạng và tình huống như thế. Đội tuyển Ý quyết liệt chơi đôi công với TBN, với niềm tin sắt đá rằng chính Ý và chỉ Ý mới là đội bóng duy nhất trên thế giới này dám chơi đôi công và sẽ thắng được Tiki-taka, vốn đã bị Del Bosque làm cho biến dạng. Bên lề sân cỏ, Prandelli với phong thái ung dung như một bá tước thời Trung cổ, bình tĩnh và điềm đạm chờ đợi một một chiến thắng. Nhưng chờ đợi mỏi mòn, chiến thắng ấy cũng không bao giờ tới!

Từ bỏ catenaccio phòng ngự đầy uy lực, lọt bẫy “chơi đôi công” của đối phương, đội tuyển Ý và Prandelli đã nhanh chóng lãnh nhận những bàn thua tối tăm mặt mũi ngay trong hiệp một, rồi tiếp tục thua thêm 2 bàn nữa trong hiệp 2. Tỷ số chung cuộc Ý thua 0-4. Một trận thua đậm nhất trong lịch sử các trận chung kết của cả EURO lẫn World Cup.

Lẽ ra, với một ngày nghỉ ít hơn, và lực lượng gồm nhiều danh thủ đã cao tuổi, Ý cần phải nhập trận với một tư thế khác: bình tĩnh phòng ngự, kìm hãm trận đấu ở tốc độ chậm, chờ thời cơ để tung ra những đòn sát thủ giống như trong trận bán kết đá với Đức, thì thế trận hẳn là đã khác hơn, kết quả cũng đã khác hơn. Lãnh một trận thua “bẽ bàng nhất lịch sử” như vậy, Prandelli đã vô tình trở thành một chú “gà tồ” thứ hai trong toàn giải vậy!

Hai chú gà tồ: Một rớt giá, một không!

Cùng tự biến mình thành những chú gà tồ trước mưu lược của đối phương, nhưng Loew và Prandelli vẫn có nhiều điểm khác biệt, khiến hai chú gà tồ, một rớt giá thê thảm, và một thì không.

Sau trận thua choáng váng, cả 2 liên đoàn bóng đá Đức và Ý đều nhanh chóng đưa ra những phát biểu tương tự như nhau: “Công nhận tài năng, thành tích, và những đóng góp xuất sắc của HLV trưởng. Tiếp tục tin cậy và cùng họ đi tiếp quãng đường tương lai”. Loew và Prandelli vẫn tiếp tục lãnh đạo các đội bóng Đức, Ý như cũ, không có gì thay đổi. Tưởng chừng như uy tín của họ vẫn nguyên vẹn. Nhưng không phải vậy, trong con mắt bàn dân thiên hạ, vị trí của họ đã khác xưa rất nhiều.

Nếu Joachim Loew với thực lực dồi dào, sung mãn, toàn quân lại được trui rèn nhiều lần trong lửa nồng EURO 2008 và WORLD CUP 2010, là ứng cử viên số 1 tại EURO 2012, mà thua trận, và thua dễ dàng vì mắc bẫy Prandelli như thế thì thật khó mà nuốt trôi quả đắng. Uy tín Loew đã sứt mẻ nghiêm trọng khó bề cứu vãn.

Trong khi đó, Prandelli với thực lực tương đối yếu, và nhân tài nhiều trái còn xanh, đã lập được kỳ tích oai hùng thắng Đức ở trận bán kết trước đó, nay thua thảm trong trận chung kết vì mắc bẫy cáo già Del Bosque, thì kết quả này vẫn có thể được mọi người chấp nhận và tiếp tục được đánh giá cao. Hai chú gà tồ, một rớt giá, một không là vì thế!

(Bạn đọc: Đông Hưng)

Italia: Thất bại để biết mình ở đâu


Italia: Thất bại để biết mình ở đâu

Thảm bại 0-4 là tỷ số làm những trái tim tifosi đau đớn. Nhưng thất bại ấy là cần thiết để ĐT Italia hiểu rằng họ đang đứng ở đâu trên bản đồ bóng đá châu Âu và để đăng quang, Azzurri còn thiếu những gì!



undefined
So với TBN, Italia ít hơn hẳn những cầu thủ đẳng cấp thế giới như Alonso (trái)

1. Chỉ trừ vài gương mặt hiếm hoi như Buffon và Pirlo, ĐT Italia đã thua đối thủ ở hầu hết mọi vị trí còn lại. Marchisio không thể sánh với Iniesta, De Rossi chẳng hơn gì Busquets, Balotelli không bằng tiền đạo dự bị Torres, Cassano không sắc sảo hơn Fabregas, và chẳng ai bên phía Italia có thể sánh với Alba…

Italia đã thua từ con người trở đi, điều đó cũng phản ánh tương quan thực lực của Real và Barca so với bộ đôi Milan - Juve. Trong khi Barca và Real khuynh đảo bóng đá châu Âu với lứa cầu thủ tài năng, thì tầm vóc của Milan và Juve vẫn chưa thực sự thoát ra khỏi biên giới Serie A. Như thế, sự chênh lệch về trình độ giữa cầu thủ ở hai đội tuyển này là không quá khó hiểu!

2. Đây là hệ quả từ sự phát triển lệch lạc của bóng đá Italia trong nhiều năm qua, khi các CLB chỉ chạy theo thành tích trước mắt. Ngay cả ở cấp CLB, sự ích kỷ cũng thấy rõ khi các đội đều ưu tiên cho Serie A mà bỏ bẵng Europa League, trong khi đây là đấu trường đem lại lợi ích thiết thực cho nền bóng đá quốc gia. Hệ quả là Serie A đã bị Bundesliga lấy mất vị trí thứ 3 trên BXH 5 năm của UEFA, kèm theo 1 suất dự Champions League.

Về khía cạnh đào tạo, việc quá chú trọng vào các cầu thủ nước ngoài đã thành danh khiến hệ thống ươm mầm tài năng ở Italia bị quên lãng trong nhiều năm. Lấy một ví dụ là Giovinco, người luôn tỏa sáng ở các CLB nhỏ như Empoli và Parma, nhưng không có chỗ đứng tại Juve, khiến mãi đến năm 24-25 tuổi, tài năng của anh mới bước đầu được thừa nhận.

Những thất bại trong quá khứ khiến người TBN quyết tâm xây dựng lại một cách quy mô nền bóng đá, bắt đầu từ việc phát triển phong trào bóng đá trẻ, đi đầu là Barca. Về xuất phát điểm là truyền thống, Italia hơn hẳn TBN, nhưng họ đã ngủ quên trên chiến thắng, đã bỏ bẵng công tác đào tạo trẻ trong nhiều năm. Sau thất bại thê thảm ở World Cup 2010, HLV Prandelli đã được bổ nhiệm với nhiệm vụ phát hiện và bồi dưỡng lứa cầu thủ mới, ông đang làm tốt công việc, nhưng rõ ràng 2 năm là khoảng thời gian quá ngắn để chiến lược gia 54 tuổi này đưa bóng đá Italia bắt kịp TBN.

3. Thảm bại trước TBN, cũng như những tín hiệu tích cực từ màn trình diễn xuất sắc của Azzurri ở EURO 2012 có thể trở thành cú hích để LĐBĐ Italia tiếp tục đẩy mạnh phong trào bóng đá trẻ, thay vì cách điều hành yếu kém hiện nay, khiến các CLB mặc sức phát triển theo đường lối của riêng họ, bỏ quên lợi ích quốc gia.

Nếu Italia vẫn tiếp tục theo con đường trẻ hóa, họ hoàn toàn có thể đạt một vị trí cao hơn nữa trên bản đồ bóng đá thế giới!

Mùa hè rồi qua, chỉ tình yêu là bất tận



(TT&VH) - Cuối cùng điều gì đến phải đến, mùa EURO đã khép lại với một trận cầu mãn nhãn để vinh tôn bóng đá đẹp, bóng đá tấn công. Tây Ban Nha đã đi vào lịch sử với kỷ lục mà không biết bao giờ mới có một đội bóng có thể phá vỡ. Nụ cười đã lan ra, và quá nhiều nước mắt đã tuôn rơi… 


Thực tế thì với nhiều cổ động viên, mùa EURO đã hết kể từ khi đội bóng của họ rời cuộc chơi, tôi và các fan Mannschaft cũng vậy, khi tiếng còi kết thúc trận đấu vang lên trên sân Warsaw ngày 29 tháng 6 là con tim đã tạm khóa lại với bóng đá, ai thắng, ai thua sau đó không còn liên quan.
Nhưng vẫn thán phục các nhà vô địch, họ đã đi qua đủ 6 nấc thang bất bại. Nhưng chỉ cần có 1 nấc thang cuối để thăng hoa, để đúng là mình và để chứng minh những nghi ngờ, chê trách của thiên hạ là “sai bét”. Một chiến thuật xuất sắc, một sự ẩn mình cực kỳ khôn ngoan để rồi đúng thời điểm đã chọn, xuất hiện một cách ngoạn mục, không phải bất ngờ, vì vốn họ là như vậy, nhưng lại đem đến sự hân hoan và hài lòng, vì người ta đã nghi ngờ họ không còn như vậy.
Câu chuyện về bản sắc có vẻ được nói nhiều nhất ở mùa EURO này. Một tuyển Đức với gần một nửa gốc ngoại bị chê trách là không hát quốc ca khiến tinh thần dân tộc sa sút. Đá đẹp, ghi bàn thắng nhiều và để thủng cũng nhiều không kém, Đức bị coi là hàng thủ hớ hênh nhất và luôn phải đối mặt với câu, bản lĩnh thép của các vị đâu? Một Hà Lan phe phẩy như gió thoảng trưa hè làm người ta nhớ đến Cơn lốc da cam của một thời chưa xa, đã dừng bước khá sớm. Tam sư lạ lẫm với công nghệ xe bus. Italia hết toan tính thực dụng bỗng nhiên hăm hở thi thoảng quá hồn nhiên như một ông già hồi xuân. Rồi cả chính các nhà vô địch với lối đá ban chuyền, không cần tiền đạo và không thiết tấn công làm “điên tiết” người xem…

Hình ảnh chiến thắng của TBN trên bờ biển - Ảnh Getty
Người ta đã thấy một gương mặt khác, đôi khi là trái chiều hoàn toàn của các đội tuyển và liêp tiếp người ta hỏi: Đâu rồi tinh thần, lối đá xe tăng? Đâu rồi bóng đá tổng lực? Đâu rồi lối đá catanaccio khó chịu và đầy hiệu quả? Đâu rồi chất hiệp sĩ của người Anh và đâu lối đá tiqui-taca đầy biến ảo...? Để rồi đi cùng các câu hỏi đó là sự nghi ngờ về thành công của các đội bóng khi họ bỏ sở trường để chuyên về sở đoản. 
Nhưng cái giá của đổi thay phải sau khi ta dám bỏ tiền ta mua mới biết nó đắt hay rẻ, nó hiệu quả hay không? Cũng có loại quả mà ngay mùa đầu đã cho trái ngọt, cũng có loại phải đợi vài ba năm ta sẽ được mùa ngon, dĩ nhiên không loại trừ, ta sẽ xôi hỏng bỏng không với lần thử hạt giống mới. Nhưng nếu không đi thì sẽ không đến. Thế giới vạn vật đổi thay và chính bản thân mỗi con người qua từng thời điểm cũng thay đổi, cả về tính tình, về hình thức-đương nhiên, về nhân sinh quan. Nằm trong quy luật đó, một đội bóng, một phong cách suy cho cùng không thể bất biến. Nên, người ta sẽ nhớ người thất bại trong tư thế của kẻ tuẫn nạn như Thụy Điển, như Đan Mạch, Hy Lạp, người ta sẽ còn buồn vì những cú trượt chân khó hiểu của Nga, người ta sẽ tiếc nuối cho chiến hạm Đức không về được đích cuối. Cũng như sẽ còn đầy hy vọng vào tương lai kết quả của những đổi thay.
Giã biệt những giấc mơ dang dở
Những đêm bên nhau vẫn cồn cào nhớ…
EURO đã hết. Ngôi vương đã định. Hoa hồng đã về tay kẻ trung gian - cả Ba Lan và Ucraina đã thu lợi khá nhiều từ EURO trong vai trò người tổ chức. Đã có những cái tên gắn liền kỷ lục: La Roja, Fernaldo Torres, Iker Casillas, Del Bosque... Đã có những người ra đi, như Blanc, Van Marwijk, sẽ có nhiều người dường như chắc chắn sẽ không có mặt ở giải đấu lớn kế tiếp: Andriy Shevchenko, Andrea Pirlo, Miroslav Klose, Milan Baros…, và vẫn còn những cái tên tiếp tục nuôi dưỡng cho kỳ vọng mới: Cristiano Ronaldo, Wayne Rooney, Mesut Ozil, Mario Balotelli, Thomas Muller, David Silva…
Một mùa EURO đã khép để lại những xúc cảm, những dư âm cho biết bao người yêu bóng đá. Lời ca rộn ràng Endless Summer đã thôi ngân vang trên những con đường Kiev, Warsaw, Kharkiv, Poznan, Donetsk…, cả trên mọi con hẻm, ngõ xóm của khắp hành tinh vọng ra từ màn hình ti vi. Mùa hè rồi qua, những đêm không ngủ chờ trái bóng lăn đã kết thúc, nhưng ký ức về hình ảnh các chàng trai yêu quý và cảm xúc buồn vui, hạnh phúc và đau đớn mà họ đem lại cho người hâm mộ thì còn mãi. Và tình yêu, chỉ có tình yêu là bất tận. Tạm biệt các bạn dấu yêu, và hẹn gặp lại nhau Brazil, hai năm nữa…
Đoàn Ngọc Thu

Cảm ơn Euro

Cảm ơn Euro

1. Các fan túc cầu cần cảm ơn Euro.

Không có Euro, chúng ta chỉ biết người Anh chơi bóng như thế nào, người Ý đá bóng ra sao và người Tây Ban Nha bằng cách nào đã khiến cả châu Âu run sợ. Nới rộng ra chút nữa, chúng ta biết thêm về lối nhồi bóng của người Pháp và người Đức. Chấm hết.

Châu Âu chỉ gói gọn trong biên giới của “ngũ hổ tướng”.


Cũng dễ hiểu thôi, những nền bóng đá mạnh mới đẻ ra tiền và mới nhận được sự quan tâm của các công ty truyền thông. Chẳng đài truyền hình nào “khờ khạo” đến mức bỏ tiền ra mua sóng của các giải bóng đá Hy Lạp hay Ireland. Thậm chí ngay cả những nền bóng đá nổi tiếng hơn như Czech hay Hà Lan còn không có cửa.

2. Nếu không có Euro, Ý, Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha là tất cả châu Âu. Một châu Âu bị rút gọn. Một châu Âu méo mó. Một châu Âu chỉ mang tính biểu tượng. Và chúng ta quanh năm chỉ thấy cây mà không thấy rừng, dù đó là những loại cây có giá trị cao.

Nhờ có Euro, chúng ta mới biết các hậu duệ của những Lato, Deyna, Boniek lừng danh hiện nay chơi bóng ra sao trong màu áo Ba Lan. Và Ireland, một trong những đội tuyển chơi bóng đáng chán nhất trong mắt người viết bài này, một đội tuyển chơi bóng còn “Anh” hơn cả tuyển Anh, sau nhiều năm bị thế giới quên lãng đã tìm được cho mình một diện mạo hấp dẫn nào chưa.

Rồi Ukraine, một vùng địa linh nhân kiệt của Liên Xô cũ, nơi sản sinh ra huấn luyện viên bậc thầy Valery Lobanovsky và ba quả bóng vàng châu Âu Oleg Blokhin, Igor Belanov, Andrey Shevchenko có còn giữ được lối chơi bóng tốc độ và khoa học trước đây sau khi trở thành một quốc gia độc lập hay không. Còn bao nhiêu câu hỏi nữa, những câu hỏi lung linh gắn với ký ức của một thời, chỉ có Euro mới giải đáp được.

3. Tối hôm qua, tôi xem đội Ý đá với Croatia. Hiệp một, các cầu thủ áo thiên thanh chơi thứ bóng đá của một ứng cử viên vô địch đích thực. Trong vòng 30 mét trước khung thành đối phương, Cassano và đồng đội bật bóng một chạm không kém gì tuyển Tây Ban Nha, thậm chí còn giàu tốc độ hơn. Nếu các chân sút không vô duyên, có lẽ Ý đã dẫn trước Croatia 3-0 trước khi trọng tài thổi còi chấm dứt hiệp một. Ý trong những khoảnh khắc bùng nổ đó vẫn giữ được sự chặt chẽ ở hàng thủ trong khi sắc bén một cách bất ngờ trên hàng công. Lúc đó, tôi nghĩ cứ đá như thế này đội tuyển của ông Cesare Prandelli sẽ vào đến tận trận chung kết. Nhưng rốt cuộc, Ý đã để Croatia gỡ hòa và nguy cơ bị loại đã trở thành lưỡi gươm Damocles treo lơ lửng trên đầu Prandelli và các học trò.

Các nhà thống kê lập tức giở sổ: Từ năm 2000 đến nay, đội tuyển Ý chưa bao giờ thắng lượt trận thứ hai của vòng đấu bảng ở Euro Cup lẫn World Cup. Đã thế, trong 5 trận gần nhất, Ý chưa bao giờ thắng được Croatia. Trận thắng gần nhất của họ trước đối thủ này diễn ra cách đây đã 70 năm, lúc quốc gia Croatia còn... chưa mang tên Croatia. Thiên hạ nhún vai: Làm sao thầy trò ông Prandelli chống lại được lịch sử!

4. Vấn đề thực ra không mang màu sắc tâm linh nhiều đến thế. Nếu nói đến số phận thì số phận đến từ con đường này: đội Ý không giành được chiến thắng trước Croatia chẳng qua do họ không chiến thắng được bản năng phòng ngự của mình. Sau khi dẫn trước Croatia 1-0, nếu tuyển Ý tiếp tục duy trì sức ép lên đối phương, có thể họ sẽ giành được thắng lợi cuối cùng, thậm chí không chỉ với một bàn. Đằng này, người Ý đã suy nghĩ như... người Ý: vừa có được lợi thế mong manh, họ lập tức hạ thấp đội hình hòng bảo toàn tỉ số. Giống như một tay kiếm đang tung hoành ngang dọc, tấn công đối phương tối tăm mặt mũi, nhưng sau khi đâm trúng đối phương một nhát, thay vì tiếp tục đâm thêm một nhát nữa để kết liễu trận đấu, lại thu kiếm về múa may che chắn trước mặt. Lối chơi đậm tinh thần catenaccio này nửa thế kỷ qua vẫn luôn ám ảnh người Ý và sau khi trở thành bản sắc Ý, rất nhiều lần nó quay lại hãm hại đội tuyển Ý. Phải chăng người Ý thà chết vì bản sắc còn hơn là sống mà phản bội lại nó?

5. Người Tây Ban Nha ngược lại. Bản năng tấn công được sự hỗ trợ của khả năng kiểm soát bóng siêu hạng cho phép thầy trò ông Del Bosque theo đuổi thứ bóng đá hướng lên phía trước, dù ở giải Euro lần này rất nhiều khi họ tấn công mà không có một tiền đạo đích thực nào. Hiển nhiên, có họa là điên tuyển Tây Ban Nha mới từ bỏ lối chơi đã giúp họ vô địch Euro lẫn World Cup, mặc dù lối chơi đó không hẳn là “bách chiến bách thắng”. Sự thất bại của Barcelona, đội bóng có lối chơi tương tự tuyển Tây Ban Nha, ở mùa bóng vừa rồi là một lời cảnh báo.

Tuy nhiên, dù không có thiên tài Messi, tuyển Tây Ban Nha vẫn tỏ ra đồng đều hơn Barcelona, đặc biệt khi tiền đạo Torres của Chelsea đã bắt đầu tìm lại phong độ sát thủ qua cú đúp trước Ireland trong trận đấu đêm qua. HLV Del Bosque còn có những cầu thủ hay nhất của Real Madrid trong đội hình: Casillas, Sergio Ramos, Xabi Alonso. Và thêm David Silva, bộ não của tân vô địch Anh quốc Manchester City. Một đội hình cực mạnh. Và nếu không có bất ngờ quá lớn, họ đủ khả năng để đăng quang ở Euro thêm một lần nữa.

Cũng có người ngưỡng mộ lối chơi bóng biến hóa của tuyển Tây Ban Nha (và Barcelona) nhưng than chán. Vì trận nào người Tây Ban Nha cũng khống chế bóng đến 2/3 trận đấu, không cho đối phương chạm bóng, và mặc sức dẫn dắt trận đấu theo ý mình.

Riêng người viết bài này thì không chán chút nào. Vì cái đẹp không bao giờ biết chán.

CHU ĐÌNH NGẠN

Những điều Italia nên làm để khóa chặt Tây Ban Nha



ĐT Italia đã cho thấy những bước tiến vượt bậc ở Euro 2012 này, giờ đây, họ chỉ còn cách vinh quang đúng 1 trận đấu, người Italia sẽ cần làm gì để lên ngôi vương ở Euro 2012.

Khóa chặt Iniesta

Không phải Xavi, Iniesta mới chính là cầu thủ Tây Ban Nha đáng sợ nhất ở giải đấu này khi anh thường xuyên khiến hàng thủ đối phương rung chuyển bởi những tình huống đột phá cùng những pha kiến tạo “sắc như dao cạo”.

undefined
Khóa chặt Iniesta là nhiệm vụ sống còn với ĐT Italia

Bên cạnh đó, thêm một lý do nữa khiến người Italia đặc biệt lưu tâm tới Iniesta trong trận đấu này bởi anh thường xuyên tỏa sáng mang về những bàn thắng vô cùng quan trọng cho ĐT Tây Ban Nha (cũng như Barcelona), trong đó, pha lập công vào lưới Hà Lan ở trận chung kết World Cup 2010 là ví dụ điển hình nhất.

Khả năng HLV Prandelli sẽ dùng De Rossi (cùng sự hỗ trợ của các hậu vệ khác) để ngăn chặn mối nguy hiểm chết người này nhưng với đẳng cấp của Iniesta, không điều gì là không thể.

Không cuốn vào lối chơi của Tây Ban Nha

Một kịch bản dễ nhận thấy trong trận đấu này là Tây Ban Nha sẽ tiếp tục giữ bóng và thực hiện nhiều đường chuyền ở cự ly ngắn để “ru ngủ” đối phương, vì vậy, người Italia cần rất tỉnh táo với lối chơi này.

Bên cạnh đó, họ cũng cần đẩy nhanh tốc độ trong những đợt tấn công của mình, điều này không chỉ giúp Italia tạo được bất ngờ về phía đối phương mà nó cũng làm giảm áp lực đáng kể lên khung thành đội nhà.
undefined
ĐT Italia cần tung ra những pha tấn công chớp nhoáng

Trong trận đấu ở vòng bảng, ĐT Italia đã chơi khá thành công là bởi sự tỉnh táo đã giúp Italia không bị cuốn vào lối chơi của đối thủ và họ cũng thường xuyên gây ra sự đột biến nhờ những pha phản công sắc bén, kết quả họ đã có bàn thắng dẫn trước do công của Di Natale sau tình huống tấn công sắc sảo.

Tấn công cũng là phương án tốt

Vẫn biết phòng ngự luôn là “đặc sản” của những người Italia nhưng họ cũng không nên quá thận trọng tới mức “xây tường thành” trong suốt trận đấu, thay vào đó, Italia cần biết cách sử dụng lối chơi tấn công (và phản công) mạnh mẽ khi cần thiết, điều này, Azzurri đã làm khá tốt ở giải đấu năm nay.

Có một thực tế là ĐT Tây Ban Nha ở giải đấu này không được đánh giá cao ở khâu phòng ngự do thiếu vắng Puyol, họ cũng rất lúng túng trong việc đối phó với những pha tấn công lợi hại từ phía đối phương (điển hình trong các trận đấu với Croatia, Bồ Đào Nha và cả chính Italia).
undefined
Pirlo - “chìa khóa” cho mở ra những đợt tấn công cho Italia

Vì vậy, biết khai thác điểm yếu này một cách hợp lý sẽ là “chìa khóa” mang lại chiến thắng cho người Italia, họ đã làm điều này rất tốt trong trận đấu với ĐT Đức trong trân bán kết vừa qua.

Tạo điều kiện cho Pirlo phát huy

Nếu Italia vô địch chẳng ngạc nhiên nếu Pirlo trở thành cầu thủ xuất sắc nhất giải, ở tuổi 33, tiền vệ này vẫn cho thấy khả năng điều phối bóng tuyệt vời cùng với đó, những đường chuyền tầm xa của Pirlo luôn có độ chính xác cao.

Trong trận lượt đi, chính Pirlo là người đã tung ra đường chuyền quyết định để Di Natale lập công và tất nhiên, Pirlo vẫn là niềm hy vọng lớn nhất của Italia trong trận đấu này. Anh thừa động lực để chiến đấu hết mình trước Tây Ban Nha bởi rất có thể, đây sẽ là trận đấu cuối cùng ở các giải đấu lớn của “nhạc trưởng” này cho Italia.

Tập trung bóng cho Balotelli

Khi có được sự tự tin, Balotelli sẽ trở thành mũi nhọn vô cùng đáng sợ, điều đó đã được chứng minh trong trận bán kết với ĐT Đức vừa qua. Vì vậy, tập trung cho anh nhiều đường chuyền trong trận đấu này là việc làm cần thiết, nó sẽ tạo cảm hứng để cho chân sút này bùng nổ. Bên cạnh đó, nếu như đối phương quá tập trung vào Balotelli, điều đó sẽ tạo điều kiện cho các chân sút khác của ĐT Italia tỏa sáng

Chung kết Euro: Cần một bên sớm bị thủng lưới trước



1. Rốt cuộc trận chung kết Euro Cup 2012 vào rạng sáng ngày 2-7 tới đây sẽ là cuộc tái đấu giữa hai đội dẫn đầu bảng C: Tây Ban Nha và Ý.

Cho đến bây giờ cuộc đụng độ giữa hai đội này ở vòng bảng vẫn được xem là một trong những trận đấu hay nhất Euro năm nay. Tất nhiên sẽ không có gì chứng minh rằng cuộc tái ngộ giữa họ sẽ có được một mức độ hấp dẫn tương tự.
undefined

Tính chất một trận chung kết hoàn toàn khác, thậm chí khác rất xa trận đấu đầu tiên ở vòng bảng. Ở trận ra quân, Tây Ban Nha hoặc Ý nếu chẳng may thất bại họ còn có hai trận kế tiếp để sửa sai. Do vậy, các huấn luyện viên Del Bosque và Cesare Prandelli có thể cho phép học trò chơi một thứ bóng đá ít toan tính, dành nhiều chỗ hơn cho sự phô diễn tài nghệ và sẵn sàng chấp nhận rủi ro - là thứ không ai muốn nó xuất hiện ở một trận đấu quan trọng như trận chung kết.

2. Ý như mọi lần, chơi ì ạch ở vòng đấu bảng, có lúc rất gần với nguy cơ bị loại, đã chơi hay dần lên ở những vòng sau để cuối cùng trở thành người thách thức số một với nhà đương kim vô địch trong trận đấu khuya nay.

Bại quân của họ trong trận bán kết là tuyển Đức, một đội tuyển được người hâm mộ lẫn các nhà cái đánh giá rất cao trong mùa giải năm nay. Kể từ khi HLV Jurgen Klinsmann tiến hành cuộc cách mạng về lối chơi vào năm 2004 để giúp đội tuyển mang tiếng “robot” sở hữu một thứ bóng đá quyến rũ, sau đó HLV Joachim Low tiếp tục hoàn thiện ý tưởng của người tiền nhiệm nhằm đưa cuộc cách mạng duy mỹ lên một nấc cao hơn, đội tuyển Đức đã nhận được rất nhiều thiện cảm từ giới quan sát lẫn những người yêu bóng đá đẹp.

Tuyển Đức tại Euro lần này vẫn chơi khoa học nhưng đẹp mắt và hiệu quả hơn với nhiều phương án tấn công đa dạng. Với 9 bàn thắng, các học trò ông Loew là những người ghi nhiều bàn nhất giải trước khi các trận bán kết diễn ra. Trong trận đấu với Ý, các cầu thủ Đức vẫn là những người chủ động tấn công nhưng rõ ràng các cầu thủ trẻ của Đức vẫn chưa đủ bản lĩnh để vượt qua áp lực tâm lý trong một trận cầu lớn, đặc biệt trước một đối thủ mà mình luôn “kỵ-rơ” trong các trận đụng độ chính thức.

Các tiền đạo của Đức liên tục bỏ lỡ vô số cơ hội ngon ăn trong suốt trận, trong đó có không ít những pha bóng ở cự ly rất gần với khung thành của Buffon. Ở phía sau, các hậu vệ thi đấu thiếu tỉnh táo trong hai bàn thua: một bàn bị đánh vỗ mặt khi bóng lọt vào giữa khe hở của hai trung vệ đang dâng lên quá cao, một bàn nếu Holger Badstuber nhảy lên tranh chấp thì Balotelli của Ý không thể ung dung đánh đầu vào lưới Neuer.

Tóm lại, cái đội tuyển Đức đang cần là thời gian - là thứ không thể thúc ép được. Với những Ron-Robert Zieler (23 tuổi), Mats Hummels (23), Holger Badstuber (23), Jerome Boateng (23), Ilkay Gundogan (21), Sami Khedira (25), Mesut Ozil (23) Andre Schurrle (21) Thomas Muller (22), Lars Bender (23), Toni Kroos (22) Mario Gotze (20) Marco Reus (23), tuyển Đức còn ít nhất là 3 giải lớn nữa để đưa cuộc cách mạng của mình đi đến đích.

3. Tuyển Ý đã chơi phóng khoáng hơn so với phong cách phòng ngự truyền thống nhưng không hẳn thầy trò ông Prandelli xem bóng đá tấn công là lựa chọn của đời mình. Những pha bóng sắc sảo nhất của họ vẫn là những đòn đột kích - thứ vũ khí lợi hại của trường phái chơi phản công. Hai bàn thắng vào lưới Đức đều đến từ hai pha phản công điển hình xuất phát từ hai đường chuyền dài vượt tuyến: một đánh vào nách, một khoét ngay trung lộ và người kết thúc là Balotelli.

Chắc chắn các học trò ông Prandelli sẽ lại sử dụng thứ vũ khí này trong trận chung kết, nhưng trước một Tây Ban Nha kiểm soát bóng chặt chẽ, hẳn nhiên các mũi đột kích của Ý sẽ có ít cơ hội bắn phá hơn.

4. Nhiều người vẫn chê trách thứ tiqui-taca của tuyển Tây Ban Nha không bằng Barcelona, rằng nó quá giàu tính thực dụng. Khi nói như vậy, những người phê phán quên mất Tây Ban Nha không có thiên tài Messi để biến các đường rê bóng và các pha kết thúc thành các show diễn nghệ thuật. Cũng không thể so sánh Tây Ban Nha 2012 với chính họ ở Euro 2008 và World Cup 2010, vì ở giải năm nay gần như họ mất cả hai tiền đạo hàng đầu thế giới: David Villa và Fernando Torres - một chấn thương và một sa sút phong độ sau khi ngồi mòn băng ghế dự bị ở Chelsea.

Lạ một điều là rất nhiều người cho rằng Tây Ban Nha chơi với sơ đồ chiến thuật không tiền đạo, vì thế thiếu tính tấn công. Thực ra, chiến thuật 4-6-0 là một cách nói cường điệu, và không đúng về bản chất. Tây Ban Nha khi không đưa Torres hay Negredo vào sân thì họ vẫn chơi với sơ đồ 4-3-3 truyền thống. Chỉ khác là hàng tiền đạo ba người của họ không do các tiền đạo chuyên biệt mà do các tiền vệ đảm trách. Đó là chọn lựa bất khả kháng của ông Del Bosque khi các tiền đạo sừng sỏ nhất của họ là Villa và Torres gặp trục trặc.

Hàng thủ mất Puyol, hàng công mất Villa, Torres thì trận hay trận dở thất thường, Del Bosque đã táo bạo nghĩ đến phương án “tất cả là tiền đạo”. Thực chất lối chơi của Tây Ban Nha trong những trận vừa qua chính là biểu hiện của bóng đá tổng lực, tất cả tấn công tất cả phòng thủ, dựa vào hàng tiền vệ cơ động, dựa vào sự hoán chuyển vị trí liên tục giữa 6 cầu thủ trên hàng công, và tất nhiên dựa trên khả năng kiểm soát bóng lẫn chuyền bóng siêu hạng.

Trước khi đá trận bán kết với Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha là đội bóng có các đường chọc khe nhiều nhất: 18 đường/trận, và với 8 bàn thắng cho đến lúc gặp Bồ Đào Nha họ là đội ghi bàn thắng nhiều thứ hai tại giải, chỉ sau Đức (9 bàn). Những thống kê nói trên chỉ ra Tây Ban Nha là một trong hai đội bóng chơi tấn công hàng đầu tại Euro 2012.

Cảm giác “buồn ngủ” mà họ gây ra như nhiều người ca cẩm, một phần do họ không có tiền đạo đích thực nên trận đấu vắng những pha bứt tốc tạo cảm giác mạnh nhưng phần lớn là do các đội khi gặp Tây Ban Nha đều chọn lối chơi phòng thủ, kể cả đội Bồ Đào Nha mà báo giới khen ngợi. Khi không đội nào dám chơi đôi công với Tây Ban Nha, hiển nhiên trận đấu thiếu hẳn những pha ăn miếng trả miếng kịch tính. Sân khấu bóng đá bao giờ cũng có hai diễn viên, Tây Ban Nha không thể diễn một mình. Xavi và đồng đội cần một bạn diễn tương xứng để đem lại niềm vui cho giới mộ điệu.

Trong trận gặp Tây Ban Nha ở bảng C, Ý là đội duy nhất phần nào làm được điều đó. Vì vậy, người hâm mộ có quyền hy vọng trận tái đấu Tây Ban Nha - Ý vào rạng sáng ngày mai sẽ là một show diễn đáng xem, đặc biệt nếu có một bên sớm bị thủng lưới trước!

Saturday, July 28, 2012

Ai sẽ reo “Eureka”?

1. Trở thành đội đầu tiên bảo vệ thành công chức vô địch Euro Cup, đội đầu tiên vô địch 3 giải đấu lớn Euro 2008, World Cup 2010, Euro 2012, đội tuyển Tây Ban Nha đã đi vào lịch sử bóng đá thế giới với tư cách một trong những đội bóng xuất sắc nhất.


Những thành tích vô tiền (có thể là khoáng hậu) đó của đội tuyển Tây Ban Nha chắc chắn sẽ trở thành huyền thoại, ngạc nhiên thay, lại mới chỉ xảy ra trong vòng 4 năm nay. Mới hay để xây một tượng đài, lịch sử đôi khi cũng không cần quá nhiều thời gian.


Từ năm 2008 trở về trước, Tây Ban Nha chưa bao giờ nằm trong nhóm ứng cử viên vô địch ở bất cứ một giải đấu lớn nào. Cứ trước mỗi lễ hội bóng đá, người ta nhắc đến Ý, Đức, thấp hơn một chút là Anh, Pháp ở châu Âu và Brazil, Argentina ở Nam Mỹ. Tây Ban Nha cũng là vua, nhưng là “vua đấu loại”. Khi vào vòng chung kết, đội tuyển xứ bò tót chỉ đóng vai trò một thứ gia vị, chủ yếu giúp cho bữa tiệc bóng đá thêm chút cay chua và cuối cùng là làm nền cho những đội khác đăng quang.


2. Tây Ban Nha từng có một hệ thống thuộc địa rộng lớn, với gần nửa tỉ người trên thế giới nói tiếng Tây Ban Nha. Số người nói tiếng Tây Ban Nha như tiếng mẹ đẻ rồi sẽ tăng lên với các hậu duệ không ngừng sinh sôi, nhưng dùng thứ tiếng phổ biến này để tung hô chức vô địch của đội tuyển Tây Ban Nha thì sự kiện đó chỉ mới xảy ra vài năm nay.


Trước đó, người ta thét to hai từ “vô địch” bằng tiếng Anh, tiếng Ý, tiếng Đức, tiếng Pháp, tiếng Bồ Đào Nha (tuyển Brazil). Cũng có lúc, người ta hô vang bằng tiếng Tây Ban Nha, nhưng oái oăm thay, những âm thanh kỳ diệu đó vang lên để ca ngợi các chức vô địch World Cup của Uruguay (1930, 1950) và Argentina (1978, 1986) - những quốc gia nói tiếng Tây Ban Nha.


Chỉ ở 3 giải lớn gần đây, người Tây Ban Nha mới có dịp dùng chính ngôn ngữ của mình để ca ngợi chiến công của Casillas và đồng đội.


3. Lục lại lịch sử, chúng ta sẽ thấy đội tuyển Tây Ban Nha đã từng lên ngôi vô địch châu Âu vào năm 1964. Nhưng những chiếc huy chương vàng đó đã ở quá xa, đã bị phủ bụi bởi thời gian nên không còn lấp lánh trong mắt các hậu sinh ở thế kỷ 21. Thậm chí, có cảm giác ngôi vua gần nửa thế kỷ trước của Tây Ban Nha đã bị lịch sử vùi sâu đến mức muốn nhớ lại sự kiện này cần phải mất rất nhiều thời gian để khai quật.


Đội tuyển Tây Ban Nha trong mắt nhiều người, họa chăng chỉ còn thấp thoáng hình ảnh một đội tuyển từng làm chuyện động trời là quật ngã Đức 1-0 bằng bàn thắng của Maceda ở phút cuối cùng trong trận đấu cuối cùng của vòng đấu bảng tại Euro 1984 để loại siêu tiền đạo Rudi Voller và đồng đội ra khỏi bán kết, sau đó vượt qua Đan Mạch của danh thủ Laudrup bằng những quả đá luân lưu để tiến thẳng vào trận chung kết với đội chủ nhà Pháp của siêu sao Platini và... thua trận.


Đó cũng là lần duy nhất đội tuyển Tây Ban Nha tiến xa đến vậy ở một giải đấu lớn sau chức vô địch châu Âu 1964. Khi thế hệ Maceda, Sarabia Lopez, Urquiaga, Gomez, Santillana về vườn, Tây Ban Nha không tìm đâu ra một thế hệ có tinh thần chiến đấu quả cảm tương tự.


4. Tiền đạo Raul Gonzales được người Tây Ban Nha tôn vinh như một tượng đài, nhưng tượng đài cá nhân đó chưa bao giờ giúp Tây Ban Nha xây được một tượng đài tập thể, dù các tuyển thủ cùng thời với anh không thiếu tài năng.


Xét nhiều khía cạnh, Tây Ban Nha không hơn Đức, Anh về thể lực, không hơn Pháp, Bồ Đào Nha về kỹ thuật, tấn công không thể hơn Hà Lan, phòng ngự không thể hơn Ý. Về thể hình, đội tuyển Tây Ban Nha là đội tuyển nhỏ con nhất châu Âu. Nói tóm lại là vô vàn bất lợi.


Chỉ đến khi lối đá tiqui-taca ra đời, các tuyển thủ Tây Ban Nha mới thực sự trở thành “Độc Cô Cầu Bại”. Lối đá ma thuật đó cho phép Xavi và đồng đội tiêu hao thể lực ở mức tối thiểu trong khi phát huy những phẩm chất kỹ thuật đến mức tối đa.


Tiqui-taca biến ảo đến mức HLV Del Bosque không cần sử dụng một tiền đạo đích thực trong phần lớn thời gian thi đấu ở Euro 2012 vẫn có thể giành thắng lợi cuối cùng.


5.Tôi sẽ bàn về khía cạnh chuyên môn trong lối chơi tiqui-taca ở một bài viết khác; ở đây tôi chỉ muốn nhấn mạnh rằng, tiqui-taca xuất hiện trong thế giới bóng đá chẳng khác nào một bí kíp võ công đặc dị xuất hiện trong giang hồ. Đặc biệt, tiqui-taca là thứ võ học được phát dương dưới ánh mặt trời, từng chiêu từng thức được các tuyển thủ Tây Ban Nha thi triển công khai, rạch ròi, minh bạch. Thế nhưng, cho đến hôm nay vẫn chưa cao thủ võ lâm nào nghĩ ra được cách khắc chế thứ võ công này. Đã 3 mùa luận kiếm trôi qua, tiqui-taca vẫn bất bại. Hai năm nữa, World Cup 2014 sẽ diễn ra trên đất nước Brazil và câu hỏi quan trọng nhất đối với giới chuyên môn vẫn còn bỏ ngỏ: Đội tuyển nào sẽ hóa giải được các chiêu thức kỳ ảo của tiqui-taca?


Tất nhiên các nhà bình luận đã không tiếc công lục lọi quá khứ để tìm kiếm những dữ liệu nhằm chứng minh đội tuyển Tây Ban Nha sẽ không thể đăng quang ở World Cup sắp tới, chẳng hạn: Chưa một đội bóng châu Âu nào lên ngôi khi World Cup tổ chức ở châu Mỹ! Nhưng trước khi Tây Ban Nha chiến thắng ở Euro 2012, quá khứ chẳng phải đã hùng hồn khẳng định chưa đội tuyển nào bảo vệ được chức vô địch châu Âu đó sao? Tây Ban Nha đã bước qua một lời nguyền, không có lý gì không thể bước qua lời nguyền thứ hai, trừ phi từ nay đến khi World Cup ở Brazil khai mạc, có một cao thủ võ lâm nào đó chui vào mật động ngồi diện bích hai năm trời để tham bác một loại võ học chuyên trị tiqui-taca và khi chui ra ngửa mặt lên trời hét to “Eureka!” (“Tôi tìm ra rồi!”) như nhà bác học Archimedes hơn 2.000 năm trước.


CHU ĐÌNH NGẠN

Friday, July 6, 2012

Del Bosque - Mưu thâm, kế diệu

EURO 2012 kết thúc đã 4 ngày. Các lữ đoàn quân viễn chinh đâu đã về đấy. Những kẻ thua rưng rưng nốc cạn chén ngậm ngùi, và người thắng cũng đã say men nồng chiến thắng. Đến giờ này, không ít người đã hiểu ra, nhưng vô khối người vẫn chưa hiểu thấu những mưu thâm kế diệu của Ngài râu kẽm, Vicente Del Bosque!

Hỏa mù 4-6-0 hay đội hình không tiền đạo

Có lẽ điều khiến Del Bosque phải rung đùi, vuốt râu khoái trá nhất là cho đến tận giờ này, khi EURO 2012 đã tàn cuộc chơi, mà không ít người vẫn còn cho rằng ông sử dụng đội hình 4-6-0, không tiền đạo.

Thực tế trải qua 6 trận đấu cho thấy khi tấn công, TBN đã chơi đội hình 4-3-3 hay chính xác hơn là 4-2-1-3. Trong đó 2 tiền vệ phòng ngự là Busquets và Alonso. Xavi nhô cao hơn một chút. Trên cùng là 3 tiền đạo chủ lực Iniesta-Fabregas-Silva. Bề ngoài tưởng chừng là TBN chơi không tiền đạo, nhưng thực tế TBN đã chơi với hàng công một Iniesta và 2 giả-Messi!

Ngài râu kẽm mưu thâm, kế diệu! Ảnh: Internet.

Trận chung kết thắng Ý, bàn mở tỷ số của TBN cho thấy rõ điều đó: 3 tiền đạo cùng đột nhập sâu phần sân nhà tuyển Ý. Messi-bây-giờ (Fabregas) đang chơi ở giữa dạt sang cánh phải nhận đường chọc khe của Iniesta, dấn thêm một nhịp xuống sát biên ngang, rồi chuyền ngược lại vào giữa. Người đón bóng là Messi-thuở-ban-đầu (Silva). Anh này đang chơi bên cánh phải thoắt hoán chuyển vào giữa, băng xuống và đánh đầu ghi bàn thắng! Đây là pha ăn bàn của 3 tiền đạo chủ lực! Trong trận mở đầu bảng C giữa Ý và TBN cũng là 3 tiền đạo này áp sát khu 16m50. Iniesta chọc khe, Silva nhận bóng, chuyền tinh tế cho Fabregas lập công, ghi bàn thắng gỡ hòa 1-1. Cả 2 bàn thắng này đều cho thấy đặc trưng phối hợp biến hóa sắc sảo và độc đáo của 3 tiền đạo sát thủ thực sự.

Khi mất bóng, thì Iniesta và Silva lùi xuống, biến khu vực giữa sân của TBN thành điểm ngũ của một quân xúc xắc. Đội hình TBN linh động trở thành 4-5-1. Tiền đạo thật (Torres) hoặc tiền đạo ảo (Fabregas) vẫn chiếm giữ vị trí cao nhất trong hàng công. Tóm lại, không phải Del Bosque không dùng tiền đạo, mà ông đã sử dụng các tiền vệ giỏi chơi vai tiền đạo vậy. Trước ông, chúng ta cũng thường được thấy Pep Guardiola nhiều lần sử dụng hậu vệ phải Dani Alves hoặc hậu vệ trái Adriano chơi vai tiền đạo phải trong đội hình Barcelona rồi, nên thật ra điều này không lạ.

Những tiền đạo bất ngờ từ dưới dất chui lên

Một điểm lý thú khác trong cách cầm quân của Del Bosque, là ông thường chỉ đạo toàn quân lui xuống, khống chế khu vực giữa sân, dụ cho đội hình đối phương dâng lên cao, cố ý không cho đối thủ dựng 2 tầng xe bus phòng ngự. Rồi sau đó, một đường chuyền độc từ xa được bất ngờ chuyền xuống vào… chỗ không người, không có cầu thủ đối phương, cũng không có cả quân nhà. Bất thần, một hậu vệ hoặc một tiền vệ phòng ngự từ rất xa băng lên như cơn lốc chiếm lĩnh khoảng trống đó, nhận đường chuyền độc đó và… ghi bàn!

Navas trong trận thắng Croatia. Alonso trong trận tứ kết thắng Pháp. Arbeloa trong trận bán kết với Bồ Đào Nha. Alba trong bàn nâng tỷ số lên 2-0 trong trận chung kết thắng Ý. Cả 4 đòn đánh đều theo cùng một kiểu : Quân từ dưới đất chui lên, bất ngờ đột nhập vị trí của trung phong cắm và ghi bàn. Chỉ riêng có một trường hợp Arbeloa là không thành công vì anh này đã bỏ lỡ một cơ hội hết sức ngon ăn, đưa bóng vọt xà ngang khung thành Bồ Đào Nha.

Cao tay hơn cả Pep Guardiola

Đại nhân đắc ý, đại nhân … cười! Ảnh: Internet.

Del Bosque đủ thông minh để tiếp thu những cái hay của Roberto Mancini trong việc sử dụng David Silva làm tiền đạo phải kiêm hộ công, và đặc biệt là cách Guardiola sử dụng Fabregas vốn xuất thân là tiền vệ phòng ngự số 4 chơi như một tiền đạo ảo số 10. Nhưng hơn thế nữa, ông tỏ ra đã cao tay hơn Guardiola một bậc.

Chúng ta thường thấy Barcelona của Guardiola, kiểm soát bóng chặt chẽ ở trung tuyến, rồi tấn công đối phương cấp tập bằng đội hình 4-3-3 dâng cao, tràn hết sang phía nửa sân đối phương. Đó là lúc tấn công… ”bình thường”. Khi cần bạo công, cường kích, Guardiola đã biến hóa đội hình thành 3-4-3 hoặc thậm chí 3-3-4. Công bạo thật. Như gió táp mưa sa thật. Khi thắng thì thắng đẹp 4-0, 5-0. Nhưng cũng lắm khi chẳng khác gì chuồn chuồn lao đầu vào… vách đá!

Vì sao? Vì khi chơi bạo công như vậy, đương nhiên đối thủ phải lùi về, lùi hết về. Và trận địa phòng ngự của đối phương tự nhiên hóa ra dày đặc hơn, thành lũy địch được ken nhau chặt chẽ hơn. Hậu quả là đã khó lại càng khó ghi bàn. Tai hại hơn nữa, chỉ cần một cú phá bóng cầu âu cao vút lên phía trên, nếu tiền đạo đối phương đón được, sẽ bất ngờ mở ra một cuộc phản công chớp nhoáng. Quân đâu mà đỡ trong những tình huống ấy? Đã vậy, dồn ép địch thủ sát sao, chiếm hết bóng không cho người ta chơi, bảo sao người ta chẳng ức chế, và họ sẽ chơi bài chặt chém, gây ra những chấn thương không đáng có.

Cao tay hơn Guardiola, Del Bosque chủ trương: “Hà tất phải như thế!” Chỉ cần kiểm soát chặt trung tuyến, những đường phá bóng ẩu ra biên hoặc những đường phát bóng bừa lên trên của thủ môn sẽ cho đối phương có cơ hội được dâng cao, được chơi bóng như mình. Họ ít bị ức chế, cũng sẽ ít phạm lỗi. Thừa lúc họ mải mê dâng cao mà đột phá ăn bàn sẽ ít hao công sức mà hiệu quả lại hơn hẳn.

Đó là mưu thâm kế diệu của Vicente Del Bosque. Nhưng EURO 2012 đã tàn cuộc rồi, lắm người đã nhận ra, nhưng cũng không ít các “chuyên gia” đến tận giờ này vẫn còn… ù ù cạc cạc! Điều vô cùng lý thú chính là ở đó vậy.

(Bạn đọc: Đông Hưng)

Wednesday, July 4, 2012

Hai chú “gà tồ”: Một rớt giá, một không


Hai chú “gà tồ”: Một rớt giá, một không


(BongDa.com.vn) - Trong tiếng Việt dân dã, “GÀ TỒ” là từ được sử dụng để chỉ những anh chàng thật thà đến mức khờ khạo, dễ dàng bị lọt bẫy, dính phải “mưu ma chước quỷ” của đối phương. Trong bóng đá đỉnh cao của Âu Châu và thế giới, tại EURO 2012 vừa qua, cũng đã xuất hiện 2 chú gà tồ như vậy. Bất ngờ thay, 2 chú gà tồ ấy lại là những tên tuổi đã từng lừng lẫy!

Joachim Loew dễ dàng lọt bẫy của Prandelli

Với thành tích lẫy lừng trong quá khứ, ở World Cup 2010, hạ gục đội tuyển Anh 4-1, quất sụm đội tuyển Argentina 4-0, những kỳ tích mà không mấy ai làm được, đội tuyển Đức trẻ trung, tài hoa, năng động, đầy bản lãnh của Joachim Loew chỉ chịu thua Tây Ban Nha, đội sau đó trở thành nhà Vô địch World Cup, thua duy nhất một cú đánh đầu của Carles Puyol. Một bàn thua kiểu thiếu may mắn và do sơ xuất trong một giây phút lơ đãng như thế khiến cho kẻ thua nào cũng phải ấm ức, không dễ dàng tâm phục khẩu phục.
Loew tiu nghỉu trước Prandelli! Ảnh: Internet.

Đến vòng loại EURO, đội tuyển Đức hào hùng ấy lại thắng như chẻ tre. Khi vào giải, Đức anh dũng vượt qua bảng Tử thần, oanh liệt tiêu diệt gọn những cường địch như Hà Lan, Bồ Đào Nha, Đan Mạch bằng 3 trận toàn thắng. Ở tứ kết hạ gục cựu vô địch châu Âu Hy Lạp với tỷ số 4-2. Mạch toàn thắng ấy, thế trận linh hoạt ấy, lực lượng sung mãn ấy khiến tất cả mọi người đều cho rằng đối thủ Italia ở bán kết khó lòng mà ngăn chặn nổi Đức.

Về phía Ý, vào được bán kết chỉ với 3 hòa, một thắng. Hòa Tây Ban Nha, hòa tiếp Croatia, thắng khó nhọc một đội tuyển Ireland yếu ớt. Thành tích vượt qua vòng bảng chỉ có thế. Ở tứ kết, Ý hòa tiếp với một đội tuyển Anh đang đổi thay, rồi thắng may mắn bằng sút luân lưu. Về lực lượng, đội hình Ý gồm nhiều danh thủ đã cao tuổi (Pirlo, Di Natale, Cassano, Buffon…) xen lẫn với các tài năng trẻ mới nổi, mà tên tuổi còn chưa được nhiều người biết đến. Xét về thực lực, rõ ràng là Ý yếu hơn hẳn.

Trong tình thế ấy, HLV Prandelli, các hảo thủ Ý, cũng như cả một mạng lưới truyền thông xuyên suốt, tất cả đều “chúng khẩu đồng từ”, tự nhận Ý ở cửa dưới, ca bài ca Ý yếu hơn, tung hô đội tuyển Đức và các danh thủ Đức lên tận mây xanh. Bên cạnh đó là thủ thuật “khích tướng” quái ác: Nêu bật quá trình lịch sử “Đức chưa bao giờ thắng nổi Ý ở các trận đấu chính thức!”

Tất cả những điệp khúc ấy đã ru hồn đội tuyển Đức, đưa họ vào trận bán kết EURO 2012 như những kẻ mộng du: Vào trận, toàn đội Đức như những cỗ xe tăng ào ạt xung phong, tất cả dồn lên hãm thành mãnh liệt, định “ăn tươi nuốt sống” đối thủ ngay từ khi giao bóng. Suốt 18 phút, trận địa Ý bị tràn ngập, khung thành Ý bị chao đảo. Nhưng họ vẫn đứng vững!

Và thế rồi 2 cú đòn “hồi mã thương” xuất sắc và chuẩn mực được Ý bung ra: Balotelli dũng mãnh ghi luôn 2 bàn thắng. Đội tuyển Đức “hổ báo” đã ngã gục, không thể gượng dậy. Joachim Loew, một HLV tài ba, bỗng chốc hóa thành một chú “gà tồ”, không hơn không kém. Thua thì ai cũng có thể thua, nhưng thua như Joachim Loew đã thua Cesare Prandelli thực sự là vô cùng đau đớn vậy! Chẳng khác gì người dũng sĩ đang hùng hổ leo lên ngọn cây dừa, bỗng chốc bị đốn ngang gốc, ngã xuống với cú ngã đau điếng, hổ ngươi.

Đến lượt Prandelli sập hầm chông!

Trước trận chung kết, đến lượt HLV Del Bosque, các hảo thủ TBN và cả một mạng lưới truyền thông khắp nơi nơi liên tục đưa ra những ý kiến tràn ngập các trang báo, đó đây tất cả đều tỏ ý “e dè đội tuyển Ý”, “ngán ngại Balotelli”, “cảnh giác cao độ với Pirlo”, tung hô cách chơi đôi công của Ý trong trận mở màn bảng C đã xuất sắc hòa TBN trong thế thắng, tạo ra dư luận rằng“Tiki-taka đã lỗi thời, đã bị bắt bài…”, và cả những dự đoán rằng Ý sẽ “cưa đổ ngai vàng” của TBN.

undefined
Prandelli tiu nghỉu trước… Del Bosque! Ảnh: Internet.

Prandelli và đội tuyển Ý đã uy mãnh bước vào trận chung kết EURO 2012 trong tâm trạng và tình huống như thế. Đội tuyển Ý quyết liệt chơi đôi công với TBN, với niềm tin sắt đá rằng chính Ý và chỉ Ý mới là đội bóng duy nhất trên thế giới này dám chơi đôi công và sẽ thắng được Tiki-taka, vốn đã bị Del Bosque làm cho biến dạng. Bên lề sân cỏ, Prandelli với phong thái ung dung như một bá tước thời Trung cổ, bình tĩnh và điềm đạm chờ đợi một một chiến thắng. Nhưng chờ đợi mỏi mòn, chiến thắng ấy cũng không bao giờ tới!

Từ bỏ catenaccio phòng ngự đầy uy lực, lọt bẫy “chơi đôi công” của đối phương, đội tuyển Ý và Prandelli đã nhanh chóng lãnh nhận những bàn thua tối tăm mặt mũi ngay trong hiệp một, rồi tiếp tục thua thêm 2 bàn nữa trong hiệp 2. Tỷ số chung cuộc Ý thua 0-4. Một trận thua đậm nhất trong lịch sử các trận chung kết của cả EURO lẫn World Cup.

Lẽ ra, với một ngày nghỉ ít hơn, và lực lượng gồm nhiều danh thủ đã cao tuổi, Ý cần phải nhập trận với một tư thế khác: bình tĩnh phòng ngự, kìm hãm trận đấu ở tốc độ chậm, chờ thời cơ để tung ra những đòn sát thủ giống như trong trận bán kết đá với Đức, thì thế trận hẳn là đã khác hơn, kết quả cũng đã khác hơn. Lãnh một trận thua “bẽ bàng nhất lịch sử” như vậy, Prandelli đã vô tình trở thành một chú “gà tồ” thứ hai trong toàn giải vậy!

Hai chú gà tồ: Một rớt giá, một không!

Cùng tự biến mình thành những chú gà tồ trước mưu lược của đối phương, nhưng Loew và Prandelli vẫn có nhiều điểm khác biệt, khiến hai chú gà tồ, một rớt giá thê thảm, và một thì không.

Sau trận thua choáng váng, cả 2 liên đoàn bóng đá Đức và Ý đều nhanh chóng đưa ra những phát biểu tương tự như nhau: “Công nhận tài năng, thành tích, và những đóng góp xuất sắc của HLV trưởng. Tiếp tục tin cậy và cùng họ đi tiếp quãng đường tương lai”. Loew và Prandelli vẫn tiếp tục lãnh đạo các đội bóng Đức, Ý như cũ, không có gì thay đổi. Tưởng chừng như uy tín của họ vẫn nguyên vẹn. Nhưng không phải vậy, trong con mắt bàn dân thiên hạ, vị trí của họ đã khác xưa rất nhiều.

Nếu Joachim Loew với thực lực dồi dào, sung mãn, toàn quân lại được trui rèn nhiều lần trong lửa nồng EURO 2008 và WORLD CUP 2010, là ứng cử viên số 1 tại EURO 2012, mà thua trận, và thua dễ dàng vì mắc bẫy Prandelli như thế thì thật khó mà nuốt trôi quả đắng. Uy tín Loew đã sứt mẻ nghiêm trọng khó bề cứu vãn.

Trong khi đó, Prandelli với thực lực tương đối yếu, và nhân tài nhiều trái còn xanh, đã lập được kỳ tích oai hùng thắng Đức ở trận bán kết trước đó, nay thua thảm trong trận chung kết vì mắc bẫy cáo già Del Bosque, thì kết quả này vẫn có thể được mọi người chấp nhận và tiếp tục được đánh giá cao. Hai chú gà tồ, một rớt giá, một không là vì thế!

(Bạn đọc: Đông Hưng)

Italia: Thất bại để biết mình ở đâu


Italia: Thất bại để biết mình ở đâu

Thảm bại 0-4 là tỷ số làm những trái tim tifosi đau đớn. Nhưng thất bại ấy là cần thiết để ĐT Italia hiểu rằng họ đang đứng ở đâu trên bản đồ bóng đá châu Âu và để đăng quang, Azzurri còn thiếu những gì!



undefined
So với TBN, Italia ít hơn hẳn những cầu thủ đẳng cấp thế giới như Alonso (trái)

1. Chỉ trừ vài gương mặt hiếm hoi như Buffon và Pirlo, ĐT Italia đã thua đối thủ ở hầu hết mọi vị trí còn lại. Marchisio không thể sánh với Iniesta, De Rossi chẳng hơn gì Busquets, Balotelli không bằng tiền đạo dự bị Torres, Cassano không sắc sảo hơn Fabregas, và chẳng ai bên phía Italia có thể sánh với Alba…

Italia đã thua từ con người trở đi, điều đó cũng phản ánh tương quan thực lực của Real và Barca so với bộ đôi Milan - Juve. Trong khi Barca và Real khuynh đảo bóng đá châu Âu với lứa cầu thủ tài năng, thì tầm vóc của Milan và Juve vẫn chưa thực sự thoát ra khỏi biên giới Serie A. Như thế, sự chênh lệch về trình độ giữa cầu thủ ở hai đội tuyển này là không quá khó hiểu!

2. Đây là hệ quả từ sự phát triển lệch lạc của bóng đá Italia trong nhiều năm qua, khi các CLB chỉ chạy theo thành tích trước mắt. Ngay cả ở cấp CLB, sự ích kỷ cũng thấy rõ khi các đội đều ưu tiên cho Serie A mà bỏ bẵng Europa League, trong khi đây là đấu trường đem lại lợi ích thiết thực cho nền bóng đá quốc gia. Hệ quả là Serie A đã bị Bundesliga lấy mất vị trí thứ 3 trên BXH 5 năm của UEFA, kèm theo 1 suất dự Champions League.

Về khía cạnh đào tạo, việc quá chú trọng vào các cầu thủ nước ngoài đã thành danh khiến hệ thống ươm mầm tài năng ở Italia bị quên lãng trong nhiều năm. Lấy một ví dụ là Giovinco, người luôn tỏa sáng ở các CLB nhỏ như Empoli và Parma, nhưng không có chỗ đứng tại Juve, khiến mãi đến năm 24-25 tuổi, tài năng của anh mới bước đầu được thừa nhận.

Những thất bại trong quá khứ khiến người TBN quyết tâm xây dựng lại một cách quy mô nền bóng đá, bắt đầu từ việc phát triển phong trào bóng đá trẻ, đi đầu là Barca. Về xuất phát điểm là truyền thống, Italia hơn hẳn TBN, nhưng họ đã ngủ quên trên chiến thắng, đã bỏ bẵng công tác đào tạo trẻ trong nhiều năm. Sau thất bại thê thảm ở World Cup 2010, HLV Prandelli đã được bổ nhiệm với nhiệm vụ phát hiện và bồi dưỡng lứa cầu thủ mới, ông đang làm tốt công việc, nhưng rõ ràng 2 năm là khoảng thời gian quá ngắn để chiến lược gia 54 tuổi này đưa bóng đá Italia bắt kịp TBN.

3. Thảm bại trước TBN, cũng như những tín hiệu tích cực từ màn trình diễn xuất sắc của Azzurri ở EURO 2012 có thể trở thành cú hích để LĐBĐ Italia tiếp tục đẩy mạnh phong trào bóng đá trẻ, thay vì cách điều hành yếu kém hiện nay, khiến các CLB mặc sức phát triển theo đường lối của riêng họ, bỏ quên lợi ích quốc gia.

Nếu Italia vẫn tiếp tục theo con đường trẻ hóa, họ hoàn toàn có thể đạt một vị trí cao hơn nữa trên bản đồ bóng đá thế giới!

Mùa hè rồi qua, chỉ tình yêu là bất tận



(TT&VH) - Cuối cùng điều gì đến phải đến, mùa EURO đã khép lại với một trận cầu mãn nhãn để vinh tôn bóng đá đẹp, bóng đá tấn công. Tây Ban Nha đã đi vào lịch sử với kỷ lục mà không biết bao giờ mới có một đội bóng có thể phá vỡ. Nụ cười đã lan ra, và quá nhiều nước mắt đã tuôn rơi… 


Thực tế thì với nhiều cổ động viên, mùa EURO đã hết kể từ khi đội bóng của họ rời cuộc chơi, tôi và các fan Mannschaft cũng vậy, khi tiếng còi kết thúc trận đấu vang lên trên sân Warsaw ngày 29 tháng 6 là con tim đã tạm khóa lại với bóng đá, ai thắng, ai thua sau đó không còn liên quan.
Nhưng vẫn thán phục các nhà vô địch, họ đã đi qua đủ 6 nấc thang bất bại. Nhưng chỉ cần có 1 nấc thang cuối để thăng hoa, để đúng là mình và để chứng minh những nghi ngờ, chê trách của thiên hạ là “sai bét”. Một chiến thuật xuất sắc, một sự ẩn mình cực kỳ khôn ngoan để rồi đúng thời điểm đã chọn, xuất hiện một cách ngoạn mục, không phải bất ngờ, vì vốn họ là như vậy, nhưng lại đem đến sự hân hoan và hài lòng, vì người ta đã nghi ngờ họ không còn như vậy.
Câu chuyện về bản sắc có vẻ được nói nhiều nhất ở mùa EURO này. Một tuyển Đức với gần một nửa gốc ngoại bị chê trách là không hát quốc ca khiến tinh thần dân tộc sa sút. Đá đẹp, ghi bàn thắng nhiều và để thủng cũng nhiều không kém, Đức bị coi là hàng thủ hớ hênh nhất và luôn phải đối mặt với câu, bản lĩnh thép của các vị đâu? Một Hà Lan phe phẩy như gió thoảng trưa hè làm người ta nhớ đến Cơn lốc da cam của một thời chưa xa, đã dừng bước khá sớm. Tam sư lạ lẫm với công nghệ xe bus. Italia hết toan tính thực dụng bỗng nhiên hăm hở thi thoảng quá hồn nhiên như một ông già hồi xuân. Rồi cả chính các nhà vô địch với lối đá ban chuyền, không cần tiền đạo và không thiết tấn công làm “điên tiết” người xem…

Hình ảnh chiến thắng của TBN trên bờ biển - Ảnh Getty
Người ta đã thấy một gương mặt khác, đôi khi là trái chiều hoàn toàn của các đội tuyển và liêp tiếp người ta hỏi: Đâu rồi tinh thần, lối đá xe tăng? Đâu rồi bóng đá tổng lực? Đâu rồi lối đá catanaccio khó chịu và đầy hiệu quả? Đâu rồi chất hiệp sĩ của người Anh và đâu lối đá tiqui-taca đầy biến ảo...? Để rồi đi cùng các câu hỏi đó là sự nghi ngờ về thành công của các đội bóng khi họ bỏ sở trường để chuyên về sở đoản. 
Nhưng cái giá của đổi thay phải sau khi ta dám bỏ tiền ta mua mới biết nó đắt hay rẻ, nó hiệu quả hay không? Cũng có loại quả mà ngay mùa đầu đã cho trái ngọt, cũng có loại phải đợi vài ba năm ta sẽ được mùa ngon, dĩ nhiên không loại trừ, ta sẽ xôi hỏng bỏng không với lần thử hạt giống mới. Nhưng nếu không đi thì sẽ không đến. Thế giới vạn vật đổi thay và chính bản thân mỗi con người qua từng thời điểm cũng thay đổi, cả về tính tình, về hình thức-đương nhiên, về nhân sinh quan. Nằm trong quy luật đó, một đội bóng, một phong cách suy cho cùng không thể bất biến. Nên, người ta sẽ nhớ người thất bại trong tư thế của kẻ tuẫn nạn như Thụy Điển, như Đan Mạch, Hy Lạp, người ta sẽ còn buồn vì những cú trượt chân khó hiểu của Nga, người ta sẽ tiếc nuối cho chiến hạm Đức không về được đích cuối. Cũng như sẽ còn đầy hy vọng vào tương lai kết quả của những đổi thay.
Giã biệt những giấc mơ dang dở
Những đêm bên nhau vẫn cồn cào nhớ…
EURO đã hết. Ngôi vương đã định. Hoa hồng đã về tay kẻ trung gian - cả Ba Lan và Ucraina đã thu lợi khá nhiều từ EURO trong vai trò người tổ chức. Đã có những cái tên gắn liền kỷ lục: La Roja, Fernaldo Torres, Iker Casillas, Del Bosque... Đã có những người ra đi, như Blanc, Van Marwijk, sẽ có nhiều người dường như chắc chắn sẽ không có mặt ở giải đấu lớn kế tiếp: Andriy Shevchenko, Andrea Pirlo, Miroslav Klose, Milan Baros…, và vẫn còn những cái tên tiếp tục nuôi dưỡng cho kỳ vọng mới: Cristiano Ronaldo, Wayne Rooney, Mesut Ozil, Mario Balotelli, Thomas Muller, David Silva…
Một mùa EURO đã khép để lại những xúc cảm, những dư âm cho biết bao người yêu bóng đá. Lời ca rộn ràng Endless Summer đã thôi ngân vang trên những con đường Kiev, Warsaw, Kharkiv, Poznan, Donetsk…, cả trên mọi con hẻm, ngõ xóm của khắp hành tinh vọng ra từ màn hình ti vi. Mùa hè rồi qua, những đêm không ngủ chờ trái bóng lăn đã kết thúc, nhưng ký ức về hình ảnh các chàng trai yêu quý và cảm xúc buồn vui, hạnh phúc và đau đớn mà họ đem lại cho người hâm mộ thì còn mãi. Và tình yêu, chỉ có tình yêu là bất tận. Tạm biệt các bạn dấu yêu, và hẹn gặp lại nhau Brazil, hai năm nữa…
Đoàn Ngọc Thu

Cảm ơn Euro

Cảm ơn Euro

1. Các fan túc cầu cần cảm ơn Euro.

Không có Euro, chúng ta chỉ biết người Anh chơi bóng như thế nào, người Ý đá bóng ra sao và người Tây Ban Nha bằng cách nào đã khiến cả châu Âu run sợ. Nới rộng ra chút nữa, chúng ta biết thêm về lối nhồi bóng của người Pháp và người Đức. Chấm hết.

Châu Âu chỉ gói gọn trong biên giới của “ngũ hổ tướng”.


Cũng dễ hiểu thôi, những nền bóng đá mạnh mới đẻ ra tiền và mới nhận được sự quan tâm của các công ty truyền thông. Chẳng đài truyền hình nào “khờ khạo” đến mức bỏ tiền ra mua sóng của các giải bóng đá Hy Lạp hay Ireland. Thậm chí ngay cả những nền bóng đá nổi tiếng hơn như Czech hay Hà Lan còn không có cửa.

2. Nếu không có Euro, Ý, Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha là tất cả châu Âu. Một châu Âu bị rút gọn. Một châu Âu méo mó. Một châu Âu chỉ mang tính biểu tượng. Và chúng ta quanh năm chỉ thấy cây mà không thấy rừng, dù đó là những loại cây có giá trị cao.

Nhờ có Euro, chúng ta mới biết các hậu duệ của những Lato, Deyna, Boniek lừng danh hiện nay chơi bóng ra sao trong màu áo Ba Lan. Và Ireland, một trong những đội tuyển chơi bóng đáng chán nhất trong mắt người viết bài này, một đội tuyển chơi bóng còn “Anh” hơn cả tuyển Anh, sau nhiều năm bị thế giới quên lãng đã tìm được cho mình một diện mạo hấp dẫn nào chưa.

Rồi Ukraine, một vùng địa linh nhân kiệt của Liên Xô cũ, nơi sản sinh ra huấn luyện viên bậc thầy Valery Lobanovsky và ba quả bóng vàng châu Âu Oleg Blokhin, Igor Belanov, Andrey Shevchenko có còn giữ được lối chơi bóng tốc độ và khoa học trước đây sau khi trở thành một quốc gia độc lập hay không. Còn bao nhiêu câu hỏi nữa, những câu hỏi lung linh gắn với ký ức của một thời, chỉ có Euro mới giải đáp được.

3. Tối hôm qua, tôi xem đội Ý đá với Croatia. Hiệp một, các cầu thủ áo thiên thanh chơi thứ bóng đá của một ứng cử viên vô địch đích thực. Trong vòng 30 mét trước khung thành đối phương, Cassano và đồng đội bật bóng một chạm không kém gì tuyển Tây Ban Nha, thậm chí còn giàu tốc độ hơn. Nếu các chân sút không vô duyên, có lẽ Ý đã dẫn trước Croatia 3-0 trước khi trọng tài thổi còi chấm dứt hiệp một. Ý trong những khoảnh khắc bùng nổ đó vẫn giữ được sự chặt chẽ ở hàng thủ trong khi sắc bén một cách bất ngờ trên hàng công. Lúc đó, tôi nghĩ cứ đá như thế này đội tuyển của ông Cesare Prandelli sẽ vào đến tận trận chung kết. Nhưng rốt cuộc, Ý đã để Croatia gỡ hòa và nguy cơ bị loại đã trở thành lưỡi gươm Damocles treo lơ lửng trên đầu Prandelli và các học trò.

Các nhà thống kê lập tức giở sổ: Từ năm 2000 đến nay, đội tuyển Ý chưa bao giờ thắng lượt trận thứ hai của vòng đấu bảng ở Euro Cup lẫn World Cup. Đã thế, trong 5 trận gần nhất, Ý chưa bao giờ thắng được Croatia. Trận thắng gần nhất của họ trước đối thủ này diễn ra cách đây đã 70 năm, lúc quốc gia Croatia còn... chưa mang tên Croatia. Thiên hạ nhún vai: Làm sao thầy trò ông Prandelli chống lại được lịch sử!

4. Vấn đề thực ra không mang màu sắc tâm linh nhiều đến thế. Nếu nói đến số phận thì số phận đến từ con đường này: đội Ý không giành được chiến thắng trước Croatia chẳng qua do họ không chiến thắng được bản năng phòng ngự của mình. Sau khi dẫn trước Croatia 1-0, nếu tuyển Ý tiếp tục duy trì sức ép lên đối phương, có thể họ sẽ giành được thắng lợi cuối cùng, thậm chí không chỉ với một bàn. Đằng này, người Ý đã suy nghĩ như... người Ý: vừa có được lợi thế mong manh, họ lập tức hạ thấp đội hình hòng bảo toàn tỉ số. Giống như một tay kiếm đang tung hoành ngang dọc, tấn công đối phương tối tăm mặt mũi, nhưng sau khi đâm trúng đối phương một nhát, thay vì tiếp tục đâm thêm một nhát nữa để kết liễu trận đấu, lại thu kiếm về múa may che chắn trước mặt. Lối chơi đậm tinh thần catenaccio này nửa thế kỷ qua vẫn luôn ám ảnh người Ý và sau khi trở thành bản sắc Ý, rất nhiều lần nó quay lại hãm hại đội tuyển Ý. Phải chăng người Ý thà chết vì bản sắc còn hơn là sống mà phản bội lại nó?

5. Người Tây Ban Nha ngược lại. Bản năng tấn công được sự hỗ trợ của khả năng kiểm soát bóng siêu hạng cho phép thầy trò ông Del Bosque theo đuổi thứ bóng đá hướng lên phía trước, dù ở giải Euro lần này rất nhiều khi họ tấn công mà không có một tiền đạo đích thực nào. Hiển nhiên, có họa là điên tuyển Tây Ban Nha mới từ bỏ lối chơi đã giúp họ vô địch Euro lẫn World Cup, mặc dù lối chơi đó không hẳn là “bách chiến bách thắng”. Sự thất bại của Barcelona, đội bóng có lối chơi tương tự tuyển Tây Ban Nha, ở mùa bóng vừa rồi là một lời cảnh báo.

Tuy nhiên, dù không có thiên tài Messi, tuyển Tây Ban Nha vẫn tỏ ra đồng đều hơn Barcelona, đặc biệt khi tiền đạo Torres của Chelsea đã bắt đầu tìm lại phong độ sát thủ qua cú đúp trước Ireland trong trận đấu đêm qua. HLV Del Bosque còn có những cầu thủ hay nhất của Real Madrid trong đội hình: Casillas, Sergio Ramos, Xabi Alonso. Và thêm David Silva, bộ não của tân vô địch Anh quốc Manchester City. Một đội hình cực mạnh. Và nếu không có bất ngờ quá lớn, họ đủ khả năng để đăng quang ở Euro thêm một lần nữa.

Cũng có người ngưỡng mộ lối chơi bóng biến hóa của tuyển Tây Ban Nha (và Barcelona) nhưng than chán. Vì trận nào người Tây Ban Nha cũng khống chế bóng đến 2/3 trận đấu, không cho đối phương chạm bóng, và mặc sức dẫn dắt trận đấu theo ý mình.

Riêng người viết bài này thì không chán chút nào. Vì cái đẹp không bao giờ biết chán.

CHU ĐÌNH NGẠN

Sunday, July 1, 2012

Những điều Italia nên làm để khóa chặt Tây Ban Nha



ĐT Italia đã cho thấy những bước tiến vượt bậc ở Euro 2012 này, giờ đây, họ chỉ còn cách vinh quang đúng 1 trận đấu, người Italia sẽ cần làm gì để lên ngôi vương ở Euro 2012.

Khóa chặt Iniesta

Không phải Xavi, Iniesta mới chính là cầu thủ Tây Ban Nha đáng sợ nhất ở giải đấu này khi anh thường xuyên khiến hàng thủ đối phương rung chuyển bởi những tình huống đột phá cùng những pha kiến tạo “sắc như dao cạo”.

undefined
Khóa chặt Iniesta là nhiệm vụ sống còn với ĐT Italia

Bên cạnh đó, thêm một lý do nữa khiến người Italia đặc biệt lưu tâm tới Iniesta trong trận đấu này bởi anh thường xuyên tỏa sáng mang về những bàn thắng vô cùng quan trọng cho ĐT Tây Ban Nha (cũng như Barcelona), trong đó, pha lập công vào lưới Hà Lan ở trận chung kết World Cup 2010 là ví dụ điển hình nhất.

Khả năng HLV Prandelli sẽ dùng De Rossi (cùng sự hỗ trợ của các hậu vệ khác) để ngăn chặn mối nguy hiểm chết người này nhưng với đẳng cấp của Iniesta, không điều gì là không thể.

Không cuốn vào lối chơi của Tây Ban Nha

Một kịch bản dễ nhận thấy trong trận đấu này là Tây Ban Nha sẽ tiếp tục giữ bóng và thực hiện nhiều đường chuyền ở cự ly ngắn để “ru ngủ” đối phương, vì vậy, người Italia cần rất tỉnh táo với lối chơi này.

Bên cạnh đó, họ cũng cần đẩy nhanh tốc độ trong những đợt tấn công của mình, điều này không chỉ giúp Italia tạo được bất ngờ về phía đối phương mà nó cũng làm giảm áp lực đáng kể lên khung thành đội nhà.
undefined
ĐT Italia cần tung ra những pha tấn công chớp nhoáng

Trong trận đấu ở vòng bảng, ĐT Italia đã chơi khá thành công là bởi sự tỉnh táo đã giúp Italia không bị cuốn vào lối chơi của đối thủ và họ cũng thường xuyên gây ra sự đột biến nhờ những pha phản công sắc bén, kết quả họ đã có bàn thắng dẫn trước do công của Di Natale sau tình huống tấn công sắc sảo.

Tấn công cũng là phương án tốt

Vẫn biết phòng ngự luôn là “đặc sản” của những người Italia nhưng họ cũng không nên quá thận trọng tới mức “xây tường thành” trong suốt trận đấu, thay vào đó, Italia cần biết cách sử dụng lối chơi tấn công (và phản công) mạnh mẽ khi cần thiết, điều này, Azzurri đã làm khá tốt ở giải đấu năm nay.

Có một thực tế là ĐT Tây Ban Nha ở giải đấu này không được đánh giá cao ở khâu phòng ngự do thiếu vắng Puyol, họ cũng rất lúng túng trong việc đối phó với những pha tấn công lợi hại từ phía đối phương (điển hình trong các trận đấu với Croatia, Bồ Đào Nha và cả chính Italia).
undefined
Pirlo - “chìa khóa” cho mở ra những đợt tấn công cho Italia

Vì vậy, biết khai thác điểm yếu này một cách hợp lý sẽ là “chìa khóa” mang lại chiến thắng cho người Italia, họ đã làm điều này rất tốt trong trận đấu với ĐT Đức trong trân bán kết vừa qua.

Tạo điều kiện cho Pirlo phát huy

Nếu Italia vô địch chẳng ngạc nhiên nếu Pirlo trở thành cầu thủ xuất sắc nhất giải, ở tuổi 33, tiền vệ này vẫn cho thấy khả năng điều phối bóng tuyệt vời cùng với đó, những đường chuyền tầm xa của Pirlo luôn có độ chính xác cao.

Trong trận lượt đi, chính Pirlo là người đã tung ra đường chuyền quyết định để Di Natale lập công và tất nhiên, Pirlo vẫn là niềm hy vọng lớn nhất của Italia trong trận đấu này. Anh thừa động lực để chiến đấu hết mình trước Tây Ban Nha bởi rất có thể, đây sẽ là trận đấu cuối cùng ở các giải đấu lớn của “nhạc trưởng” này cho Italia.

Tập trung bóng cho Balotelli

Khi có được sự tự tin, Balotelli sẽ trở thành mũi nhọn vô cùng đáng sợ, điều đó đã được chứng minh trong trận bán kết với ĐT Đức vừa qua. Vì vậy, tập trung cho anh nhiều đường chuyền trong trận đấu này là việc làm cần thiết, nó sẽ tạo cảm hứng để cho chân sút này bùng nổ. Bên cạnh đó, nếu như đối phương quá tập trung vào Balotelli, điều đó sẽ tạo điều kiện cho các chân sút khác của ĐT Italia tỏa sáng

Chung kết Euro: Cần một bên sớm bị thủng lưới trước



1. Rốt cuộc trận chung kết Euro Cup 2012 vào rạng sáng ngày 2-7 tới đây sẽ là cuộc tái đấu giữa hai đội dẫn đầu bảng C: Tây Ban Nha và Ý.

Cho đến bây giờ cuộc đụng độ giữa hai đội này ở vòng bảng vẫn được xem là một trong những trận đấu hay nhất Euro năm nay. Tất nhiên sẽ không có gì chứng minh rằng cuộc tái ngộ giữa họ sẽ có được một mức độ hấp dẫn tương tự.
undefined

Tính chất một trận chung kết hoàn toàn khác, thậm chí khác rất xa trận đấu đầu tiên ở vòng bảng. Ở trận ra quân, Tây Ban Nha hoặc Ý nếu chẳng may thất bại họ còn có hai trận kế tiếp để sửa sai. Do vậy, các huấn luyện viên Del Bosque và Cesare Prandelli có thể cho phép học trò chơi một thứ bóng đá ít toan tính, dành nhiều chỗ hơn cho sự phô diễn tài nghệ và sẵn sàng chấp nhận rủi ro - là thứ không ai muốn nó xuất hiện ở một trận đấu quan trọng như trận chung kết.

2. Ý như mọi lần, chơi ì ạch ở vòng đấu bảng, có lúc rất gần với nguy cơ bị loại, đã chơi hay dần lên ở những vòng sau để cuối cùng trở thành người thách thức số một với nhà đương kim vô địch trong trận đấu khuya nay.

Bại quân của họ trong trận bán kết là tuyển Đức, một đội tuyển được người hâm mộ lẫn các nhà cái đánh giá rất cao trong mùa giải năm nay. Kể từ khi HLV Jurgen Klinsmann tiến hành cuộc cách mạng về lối chơi vào năm 2004 để giúp đội tuyển mang tiếng “robot” sở hữu một thứ bóng đá quyến rũ, sau đó HLV Joachim Low tiếp tục hoàn thiện ý tưởng của người tiền nhiệm nhằm đưa cuộc cách mạng duy mỹ lên một nấc cao hơn, đội tuyển Đức đã nhận được rất nhiều thiện cảm từ giới quan sát lẫn những người yêu bóng đá đẹp.

Tuyển Đức tại Euro lần này vẫn chơi khoa học nhưng đẹp mắt và hiệu quả hơn với nhiều phương án tấn công đa dạng. Với 9 bàn thắng, các học trò ông Loew là những người ghi nhiều bàn nhất giải trước khi các trận bán kết diễn ra. Trong trận đấu với Ý, các cầu thủ Đức vẫn là những người chủ động tấn công nhưng rõ ràng các cầu thủ trẻ của Đức vẫn chưa đủ bản lĩnh để vượt qua áp lực tâm lý trong một trận cầu lớn, đặc biệt trước một đối thủ mà mình luôn “kỵ-rơ” trong các trận đụng độ chính thức.

Các tiền đạo của Đức liên tục bỏ lỡ vô số cơ hội ngon ăn trong suốt trận, trong đó có không ít những pha bóng ở cự ly rất gần với khung thành của Buffon. Ở phía sau, các hậu vệ thi đấu thiếu tỉnh táo trong hai bàn thua: một bàn bị đánh vỗ mặt khi bóng lọt vào giữa khe hở của hai trung vệ đang dâng lên quá cao, một bàn nếu Holger Badstuber nhảy lên tranh chấp thì Balotelli của Ý không thể ung dung đánh đầu vào lưới Neuer.

Tóm lại, cái đội tuyển Đức đang cần là thời gian - là thứ không thể thúc ép được. Với những Ron-Robert Zieler (23 tuổi), Mats Hummels (23), Holger Badstuber (23), Jerome Boateng (23), Ilkay Gundogan (21), Sami Khedira (25), Mesut Ozil (23) Andre Schurrle (21) Thomas Muller (22), Lars Bender (23), Toni Kroos (22) Mario Gotze (20) Marco Reus (23), tuyển Đức còn ít nhất là 3 giải lớn nữa để đưa cuộc cách mạng của mình đi đến đích.

3. Tuyển Ý đã chơi phóng khoáng hơn so với phong cách phòng ngự truyền thống nhưng không hẳn thầy trò ông Prandelli xem bóng đá tấn công là lựa chọn của đời mình. Những pha bóng sắc sảo nhất của họ vẫn là những đòn đột kích - thứ vũ khí lợi hại của trường phái chơi phản công. Hai bàn thắng vào lưới Đức đều đến từ hai pha phản công điển hình xuất phát từ hai đường chuyền dài vượt tuyến: một đánh vào nách, một khoét ngay trung lộ và người kết thúc là Balotelli.

Chắc chắn các học trò ông Prandelli sẽ lại sử dụng thứ vũ khí này trong trận chung kết, nhưng trước một Tây Ban Nha kiểm soát bóng chặt chẽ, hẳn nhiên các mũi đột kích của Ý sẽ có ít cơ hội bắn phá hơn.

4. Nhiều người vẫn chê trách thứ tiqui-taca của tuyển Tây Ban Nha không bằng Barcelona, rằng nó quá giàu tính thực dụng. Khi nói như vậy, những người phê phán quên mất Tây Ban Nha không có thiên tài Messi để biến các đường rê bóng và các pha kết thúc thành các show diễn nghệ thuật. Cũng không thể so sánh Tây Ban Nha 2012 với chính họ ở Euro 2008 và World Cup 2010, vì ở giải năm nay gần như họ mất cả hai tiền đạo hàng đầu thế giới: David Villa và Fernando Torres - một chấn thương và một sa sút phong độ sau khi ngồi mòn băng ghế dự bị ở Chelsea.

Lạ một điều là rất nhiều người cho rằng Tây Ban Nha chơi với sơ đồ chiến thuật không tiền đạo, vì thế thiếu tính tấn công. Thực ra, chiến thuật 4-6-0 là một cách nói cường điệu, và không đúng về bản chất. Tây Ban Nha khi không đưa Torres hay Negredo vào sân thì họ vẫn chơi với sơ đồ 4-3-3 truyền thống. Chỉ khác là hàng tiền đạo ba người của họ không do các tiền đạo chuyên biệt mà do các tiền vệ đảm trách. Đó là chọn lựa bất khả kháng của ông Del Bosque khi các tiền đạo sừng sỏ nhất của họ là Villa và Torres gặp trục trặc.

Hàng thủ mất Puyol, hàng công mất Villa, Torres thì trận hay trận dở thất thường, Del Bosque đã táo bạo nghĩ đến phương án “tất cả là tiền đạo”. Thực chất lối chơi của Tây Ban Nha trong những trận vừa qua chính là biểu hiện của bóng đá tổng lực, tất cả tấn công tất cả phòng thủ, dựa vào hàng tiền vệ cơ động, dựa vào sự hoán chuyển vị trí liên tục giữa 6 cầu thủ trên hàng công, và tất nhiên dựa trên khả năng kiểm soát bóng lẫn chuyền bóng siêu hạng.

Trước khi đá trận bán kết với Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha là đội bóng có các đường chọc khe nhiều nhất: 18 đường/trận, và với 8 bàn thắng cho đến lúc gặp Bồ Đào Nha họ là đội ghi bàn thắng nhiều thứ hai tại giải, chỉ sau Đức (9 bàn). Những thống kê nói trên chỉ ra Tây Ban Nha là một trong hai đội bóng chơi tấn công hàng đầu tại Euro 2012.

Cảm giác “buồn ngủ” mà họ gây ra như nhiều người ca cẩm, một phần do họ không có tiền đạo đích thực nên trận đấu vắng những pha bứt tốc tạo cảm giác mạnh nhưng phần lớn là do các đội khi gặp Tây Ban Nha đều chọn lối chơi phòng thủ, kể cả đội Bồ Đào Nha mà báo giới khen ngợi. Khi không đội nào dám chơi đôi công với Tây Ban Nha, hiển nhiên trận đấu thiếu hẳn những pha ăn miếng trả miếng kịch tính. Sân khấu bóng đá bao giờ cũng có hai diễn viên, Tây Ban Nha không thể diễn một mình. Xavi và đồng đội cần một bạn diễn tương xứng để đem lại niềm vui cho giới mộ điệu.

Trong trận gặp Tây Ban Nha ở bảng C, Ý là đội duy nhất phần nào làm được điều đó. Vì vậy, người hâm mộ có quyền hy vọng trận tái đấu Tây Ban Nha - Ý vào rạng sáng ngày mai sẽ là một show diễn đáng xem, đặc biệt nếu có một bên sớm bị thủng lưới trước!