Roberto Carlos và cú sút siêu thực






1. Mười lăm năm trước, vào ngày 3 tháng 6 năm 1997, trên sân Stade de Gerland tại thành phố Lyon nước Pháp xảy ra một hiện tượng lạ mà sau này nhiều người ví như sự xuất hiện của đĩa bay trên trái đất.


Lúc đó, một giải bóng đá giao hữu có tên gọi Tournoi de France giữa bốn đội tuyển được xem là sừng sỏ nhất thế giới lúc bấy giờ gồm Pháp, Anh, Brazil, Đức được tổ chức tại Pháp, nước chủ nhà World Cup một năm sau đó.

Hiện tượng lạ đó xuất hiện vào phút thứ 21 trong trận Pháp gặp Brazil. Cho tới thời khắc đó, tỉ số trận đấu đang là 0-0 và Brazil được hưởng một quả phạt trực tiếp. Điểm phạt cách xa khung thành thủ môn Barthez gần 40 mét, tức là một khoảng cách an toàn đến mức thủ môn có thể vừa hái hoa vừa đón bóng mà không sợ bị thủng lưới. Thậm chí, nó còn kém nguy hiểm hơn một quả phạt góc.

2. Đứng trước quả bóng là một cầu thủ thấp, đậm, chẳng có gì đáng chú ý ngoài một cặp đùi to quá khổ, nói chung là hoàn toàn vô danh. Đã vô danh mà còn “màu mè”. Gã tiểu tốt đó sau khi đặt quả bóng xuống điểm đá phạt, bắt đầu bước thụt lui. Thông thường, để lấy đà, các cầu thủ đứng cách quả bóng khoảng 3 mét đã là xa. Đằng này, gã lui, lui mãi, như thể gã đang đối diện với một con chó dữ chứ không phải là một quả bóng. Nếu sau lưng gã là một mô đất thì gã đã té chổng gọng rồi.

Các cầu thủ trên sân, các vị trọng tài, hàng vạn khán giả trên khán đài và hàng triệu người ngồi dán mắt trước màn ảnh tivi hiếu kỳ mở căng mắt xem gã này định làm trò gì. Và rồi mọi người thấy gã chạy, trên đầu mũi giày - những bước ngắn, tiếp theo là những bước sải. Cuối cùng gã co chân sút vào quả bóng.

Tất nhiên trước mặt gã là các cầu thủ Pháp đang đứng sát vào nhau để làm hàng rào chắn. Nhưng theo như những gì vừa xảy ra trên sân thì các cầu thủ áo xanh không cần phải cảnh giác như vậy. Vì trái bóng từ chân gã bay cách xa rào chắn cả mét.

Trên khán đài, khán giả không nhịn được phá ra cười. Những ai đeo răng giả chắc văng cả răng xuống hàng ghế phía trước. Dưới sân, quả đá phạt của gã bay về phía cột cờ góc khiến các em bé nhặt bóng vội thụp người xuống để tránh bóng va phải đầu. Thủ môn Barthez liếc đường bay ngớ ngẩn của quả bóng bằng nửa con mắt rồi nhìn lên khán đài đang ầm ĩ, khẽ mỉm cười như muốn chia sẻ với khán giả cảm giác vui nhộn về màn kịch hài đang diễn ra.

Đột nhiên, Barthez cảm thấy có điều gì đó bất thường. Cả khán đài đang cười nghiêng ngả bỗng im bặt như cả vũ trụ đột ngột bị tắt volum.

Barthez ngoảnh phắt lại vừa kịp thấy quả bóng khi nãy đang bay về phía góc sân, bỗng bất thần đổi hướng, ngoặt về phía khung thành, khẽ chạm cột dọc và... chui tọt vào lưới.

Trên sân, không chỉ Barthez chết đứng. Cầu thủ hai bên lẫn các vị trọng tài áo đen đều trơ ra như trời trồng. Cơ bản là không ai tin vào mắt mình. Một cú sút siêu thực, ra ngoài mọi hiểu biết về chuyển động học.

3. Roberto Carlos da Silva Rocha sinh năm 1973, lúc đó đã 24 tuổi, lập tức được cả thế giới biết đến với cái tên rút gọn Roberto Carlos. Và cú sút phạt của anh trong ngày hè oi ả đó đã đi vào lịch sử bóng đá với tư cách là cú sút phạt đẹp nhất thế giới.

Cú sút phạt đó thần kỳ đến nỗi không chỉ các chuyên gia thể thao trầm trồ. Cả các nhà khoa học cũng vào cuộc. Họ đo vòng đùi của Roberto Carlos, họ cân trọng lượng quả bóng, họ đo sức gió, đo nhiệt độ, nói chung họ làm tất cả những gì có thể làm để chứng minh cú sút này không thuộc phạm trù huyền bí.

“Chúng ta đã được chứng kiến một thứ đi ngược lại với logic và có thể sẽ không bao giờ thấy nó thêm lần nữa”. David Quere, một nhà khoa học công tác tại viện kỹ thuật ESPCI của Paris, tặc lưỡi tuyên bố. Sau đó, ông cùng các đồng nghiệp cố gắng giải thích quỹ đạo cú sút của hậu vệ Brazil. Họ tiến hành thí nghiệm bằng cách lấy một khẩu súng lục bắn vào trong nước. Và họ nhận ra tốc độ của viên đạn khi đạt tới hơn 100 km/giờ - tương đương tốc độ cú “nã đại bác” của Carlos thì nó cũng xoắn tròn và dần dần di chuyển vòng cung. Đến lúc đó họ mới tin cú sút đó đúng là do người làm chứ không phải... ma làm. Vấn đề là làm sao tạo ra một lực sút mạnh như thế. Đó chính là điều làm nên sự khác biệt giữa Roberto Carlos với các cầu thủ còn lại.

4. Trong 11 năm chơi cho Real Madrid, Carlos đoạt 4 chức vô địch quốc gia, 3 lần vô địch Champions League, ghi 74 bàn thắng, một con số đáng kinh ngạc với một hậu vệ. Nhưng nếu biết Roberto Carlos được ca ngợi là hậu vệ trái xuất sắc nhất hành tinh chính là nhờ phẩm chất tấn công với những cú sút mạnh như búa bổ, chúng ta sẽ không còn há hốc miệng nữa. Có nhiều trận đấu, hậu vệ Roberto Carlos còn bị phạt việt vị nhiều hơn cả các tiền đạo. Phẩm chất đó sau này chúng ta sẽ bắt gặp ở một cầu thủ Brazil khác: Daniel Alves, hậu vệ phải của Barcelona.

Roberto Carlos là hậu vệ rất mạnh về thể lực và tốc độ nhưng hiếm khi bị thẻ phạt. Real Madrid thời hoàng kim (vô địch Champions League 1998, 2000, 2002), ngoài Roberto Carlos còn có Fernando Redondo, Raul Gonzalez, Morientes, Mijatovic, Suker, Hierro, Sanchis, tiếp theo là MacManaman, Anelka, Luis Figo, Zidane... những danh thủ tôn vinh lối đá cống hiến, lịch lãm khiến cả thế giới ngưỡng mộ. So với những cầu thủ “chém đinh chặt sắt” hiện nay như Carvalho, Pepe, Sergio Ramos, Coentrao, Xabi Alonxo, Lass Diarra..., Roberto Carlos cùng thế hệ vàng của Real Madrid thời kỳ đó không những gặt hái được nhiều thành công mà bằng lối nhồi bóng bay bướm của mình đã giúp đội bóng thủ đô Tây Ban Nha xứng danh với hai chữ “Hoàng gia” (“Real”) do vua Alfonso XIII ban tặng.

Tin Roberto Calos từ giã sự nghiệp trong năm nay vì vậy không chỉ khiến người hâm mộ toàn cầu luyến tiếc mà còn khiến Real Marid buồn bã chia tay một biểu tượng mà không biết đến bao giờ họ mới có một nhân cách khác đủ sức thay thế!

CHU ĐÌNH NGẠN

No comments:

Post a Comment

Saturday, September 10, 2011

Roberto Carlos và cú sút siêu thực






1. Mười lăm năm trước, vào ngày 3 tháng 6 năm 1997, trên sân Stade de Gerland tại thành phố Lyon nước Pháp xảy ra một hiện tượng lạ mà sau này nhiều người ví như sự xuất hiện của đĩa bay trên trái đất.


Lúc đó, một giải bóng đá giao hữu có tên gọi Tournoi de France giữa bốn đội tuyển được xem là sừng sỏ nhất thế giới lúc bấy giờ gồm Pháp, Anh, Brazil, Đức được tổ chức tại Pháp, nước chủ nhà World Cup một năm sau đó.

Hiện tượng lạ đó xuất hiện vào phút thứ 21 trong trận Pháp gặp Brazil. Cho tới thời khắc đó, tỉ số trận đấu đang là 0-0 và Brazil được hưởng một quả phạt trực tiếp. Điểm phạt cách xa khung thành thủ môn Barthez gần 40 mét, tức là một khoảng cách an toàn đến mức thủ môn có thể vừa hái hoa vừa đón bóng mà không sợ bị thủng lưới. Thậm chí, nó còn kém nguy hiểm hơn một quả phạt góc.

2. Đứng trước quả bóng là một cầu thủ thấp, đậm, chẳng có gì đáng chú ý ngoài một cặp đùi to quá khổ, nói chung là hoàn toàn vô danh. Đã vô danh mà còn “màu mè”. Gã tiểu tốt đó sau khi đặt quả bóng xuống điểm đá phạt, bắt đầu bước thụt lui. Thông thường, để lấy đà, các cầu thủ đứng cách quả bóng khoảng 3 mét đã là xa. Đằng này, gã lui, lui mãi, như thể gã đang đối diện với một con chó dữ chứ không phải là một quả bóng. Nếu sau lưng gã là một mô đất thì gã đã té chổng gọng rồi.

Các cầu thủ trên sân, các vị trọng tài, hàng vạn khán giả trên khán đài và hàng triệu người ngồi dán mắt trước màn ảnh tivi hiếu kỳ mở căng mắt xem gã này định làm trò gì. Và rồi mọi người thấy gã chạy, trên đầu mũi giày - những bước ngắn, tiếp theo là những bước sải. Cuối cùng gã co chân sút vào quả bóng.

Tất nhiên trước mặt gã là các cầu thủ Pháp đang đứng sát vào nhau để làm hàng rào chắn. Nhưng theo như những gì vừa xảy ra trên sân thì các cầu thủ áo xanh không cần phải cảnh giác như vậy. Vì trái bóng từ chân gã bay cách xa rào chắn cả mét.

Trên khán đài, khán giả không nhịn được phá ra cười. Những ai đeo răng giả chắc văng cả răng xuống hàng ghế phía trước. Dưới sân, quả đá phạt của gã bay về phía cột cờ góc khiến các em bé nhặt bóng vội thụp người xuống để tránh bóng va phải đầu. Thủ môn Barthez liếc đường bay ngớ ngẩn của quả bóng bằng nửa con mắt rồi nhìn lên khán đài đang ầm ĩ, khẽ mỉm cười như muốn chia sẻ với khán giả cảm giác vui nhộn về màn kịch hài đang diễn ra.

Đột nhiên, Barthez cảm thấy có điều gì đó bất thường. Cả khán đài đang cười nghiêng ngả bỗng im bặt như cả vũ trụ đột ngột bị tắt volum.

Barthez ngoảnh phắt lại vừa kịp thấy quả bóng khi nãy đang bay về phía góc sân, bỗng bất thần đổi hướng, ngoặt về phía khung thành, khẽ chạm cột dọc và... chui tọt vào lưới.

Trên sân, không chỉ Barthez chết đứng. Cầu thủ hai bên lẫn các vị trọng tài áo đen đều trơ ra như trời trồng. Cơ bản là không ai tin vào mắt mình. Một cú sút siêu thực, ra ngoài mọi hiểu biết về chuyển động học.

3. Roberto Carlos da Silva Rocha sinh năm 1973, lúc đó đã 24 tuổi, lập tức được cả thế giới biết đến với cái tên rút gọn Roberto Carlos. Và cú sút phạt của anh trong ngày hè oi ả đó đã đi vào lịch sử bóng đá với tư cách là cú sút phạt đẹp nhất thế giới.

Cú sút phạt đó thần kỳ đến nỗi không chỉ các chuyên gia thể thao trầm trồ. Cả các nhà khoa học cũng vào cuộc. Họ đo vòng đùi của Roberto Carlos, họ cân trọng lượng quả bóng, họ đo sức gió, đo nhiệt độ, nói chung họ làm tất cả những gì có thể làm để chứng minh cú sút này không thuộc phạm trù huyền bí.

“Chúng ta đã được chứng kiến một thứ đi ngược lại với logic và có thể sẽ không bao giờ thấy nó thêm lần nữa”. David Quere, một nhà khoa học công tác tại viện kỹ thuật ESPCI của Paris, tặc lưỡi tuyên bố. Sau đó, ông cùng các đồng nghiệp cố gắng giải thích quỹ đạo cú sút của hậu vệ Brazil. Họ tiến hành thí nghiệm bằng cách lấy một khẩu súng lục bắn vào trong nước. Và họ nhận ra tốc độ của viên đạn khi đạt tới hơn 100 km/giờ - tương đương tốc độ cú “nã đại bác” của Carlos thì nó cũng xoắn tròn và dần dần di chuyển vòng cung. Đến lúc đó họ mới tin cú sút đó đúng là do người làm chứ không phải... ma làm. Vấn đề là làm sao tạo ra một lực sút mạnh như thế. Đó chính là điều làm nên sự khác biệt giữa Roberto Carlos với các cầu thủ còn lại.

4. Trong 11 năm chơi cho Real Madrid, Carlos đoạt 4 chức vô địch quốc gia, 3 lần vô địch Champions League, ghi 74 bàn thắng, một con số đáng kinh ngạc với một hậu vệ. Nhưng nếu biết Roberto Carlos được ca ngợi là hậu vệ trái xuất sắc nhất hành tinh chính là nhờ phẩm chất tấn công với những cú sút mạnh như búa bổ, chúng ta sẽ không còn há hốc miệng nữa. Có nhiều trận đấu, hậu vệ Roberto Carlos còn bị phạt việt vị nhiều hơn cả các tiền đạo. Phẩm chất đó sau này chúng ta sẽ bắt gặp ở một cầu thủ Brazil khác: Daniel Alves, hậu vệ phải của Barcelona.

Roberto Carlos là hậu vệ rất mạnh về thể lực và tốc độ nhưng hiếm khi bị thẻ phạt. Real Madrid thời hoàng kim (vô địch Champions League 1998, 2000, 2002), ngoài Roberto Carlos còn có Fernando Redondo, Raul Gonzalez, Morientes, Mijatovic, Suker, Hierro, Sanchis, tiếp theo là MacManaman, Anelka, Luis Figo, Zidane... những danh thủ tôn vinh lối đá cống hiến, lịch lãm khiến cả thế giới ngưỡng mộ. So với những cầu thủ “chém đinh chặt sắt” hiện nay như Carvalho, Pepe, Sergio Ramos, Coentrao, Xabi Alonxo, Lass Diarra..., Roberto Carlos cùng thế hệ vàng của Real Madrid thời kỳ đó không những gặt hái được nhiều thành công mà bằng lối nhồi bóng bay bướm của mình đã giúp đội bóng thủ đô Tây Ban Nha xứng danh với hai chữ “Hoàng gia” (“Real”) do vua Alfonso XIII ban tặng.

Tin Roberto Calos từ giã sự nghiệp trong năm nay vì vậy không chỉ khiến người hâm mộ toàn cầu luyến tiếc mà còn khiến Real Marid buồn bã chia tay một biểu tượng mà không biết đến bao giờ họ mới có một nhân cách khác đủ sức thay thế!

CHU ĐÌNH NGẠN

No comments:

Post a Comment