
Champions League đang dần trở nên nhàn chán. Barcelona, Real Madrid
và Bayern Munich trở thành những cái tên quen thuộc ở bán kết suốt nửa
thập kỷ qua. Bất ngờ nếu có cũng chỉ diễn ra ở vòng bảng. Còn đến vòng
knock-out, lại là cuộc chơi của những gã nhà giàu. Từ sau câu chuyện đẹp
của Porto mùa 2003/04, trận chung kết nghẹt thở giữa Liverpool và AC
Milan mùa 2004/05, Champions League không có nhiều câu chuyện cảm xúc.
Và cuộc thư hùng giữa Bayern và Juventus
rạng sáng qua thật sự là cơn mưa mát lành, khiến người hâm mộ cảm thấy
hạnh phúc. Họ đắm chìm trong thứ bóng đá đỉnh cao mà lâu rồi không được
chứng kiến. Khi các đội bóng đang dần trở nên trung tính, Juventus và
Bayern đã cùng làm sống lại sự xung đột về trường phái trong bóng đá.
Một bên là Juventus với thứ bóng đá Catenaccio đậm chất khoa học
của người Ý. Một bên là thứ bóng đá gây sức ép liên tục, kiểm soát bóng
tối đa có nguồn gốc từ lối đá tổng lực của Hà Lan. Trong 2 thập niên
1970 và 1980, đó là hai lối chơi chủ đạo. Người Ý càng giỏi “cài then”,
người Hà Lan càng cố cải tiến để gây sức ép tốt hơn, khiến đối phương
phạm sai lầm nhiều hơn.
Để rồi trong những
phút cuối của trận lượt về vòng 1/8, Bayern trở lại với cách đá kiểu Đức
từng khiến cả thế giới thán phục. Cách chơi ấy dựa nhiều vào sức mạnh
tâm lý. Khi quả bóng chưa ngừng lăn, trong đầu người Đức chưa có khái
niệm thua cuộc. Cú đánh đầu vào đúng phút cuối của Thomas Mueller làm
người ta nhớ lại câu đúc kết bất hủ của Gary Lineker: “Bóng đá là trò
chơi đơn giản, 22 người đuổi theo một quả bóng và người Đức lúc nào cũng
thắng”.
Xuyên suốt hai trận lượt đi - về giữa
Bayern và Juventus, Max Allegri và Pep Guardiola - hai đại diện đương
đại cho hai trường phái bóng đá lớn của bóng đá thế giới - đã tung ra
hết những sở trường. Người này đi một nước, người kia lập tức phản ứng,
như đang đánh cờ. Và những pha ghi bàn đều đến theo cặp. Bayern vượt lên
dẫn hai bàn ở lượt đi, Juventus thay đổi và gỡ liền hai bàn. Lượt về
Juventus vượt lên dẫn trước hai bàn.
Bayern lại
điều chỉnh để gỡ lại hai bàn. Trong hiệp phụ, lại có thêm hai bàn nữa
được ghi, lần này thuộc về đội chiếm giữ lợi thế sân nhà lẫn tâm lý.
Pep đi tiếp, nhưng ông vẫn dành sự kính trọng cho Allegri, một nhà cầm quân lớn, người đã cứu chuộc danh dự cho cả một Serie A và suýt nữa đã lấy suất thứ 4 dự Champions League từ tay người Anh. Một trận đấu, để lại quá nhiều dư âm như thế, không phải lúc nào chúng ta cũng được xem.
Trận
đấu ấy ngoài sự kết tinh về chiến thuật, những pha rượt đuổi tỷ số và
những kịch tính ở phút chót, còn mang đến cho người xem sự phấn khích từ
những va chạm rất đàn ông. Tổng cộng đã có 12 thẻ vàng được rút ra
trong 120 phút trên sân Allianz Arena, phá kỷ lục cũ của trận chung kết
Champions League 2013/14 giữa Real Madrid và Atletico.
Ngoài
ra, trận đấu còn có sự kết liễu của những cố nhân. Arturo Vidal đoạt
bóng rồi chuyền cho Kinglsey Coman trong tình huống anh kiến tạo để
Thomas Mueller quân bình tỷ số 2-2 cho Bayern. Sau khi người ta hỏi
Coman muốn gặp đội nào ở tứ kết, anh nói ngay là PSG.
Mới
19 tuổi, Coman đã khoác áo 3 CLB mạnh nhất ở 3 giải vô địch hàng đầu
châu Âu là Juventus, Bayern và PSG, đấy không phải là điều mà ai cũng có
thể làm được. Trận đấu này quả thực là một món sơn hào hải vị mà chúng
ta không biết bao giờ mới có dịp thưởng thức lại.
Trần Minh
No comments:
Post a Comment